Việc tận dụng tối đa các cơ hội đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đang mở ra triển vọng tích cực những tháng cuối năm cho hoạt động xuất khẩu thủy sản.
Tuy nhiên, để cán mốc 8,3 tỷ USD của năm 2020, đòi hỏi ngành thủy sản và các DN phải nỗ lực vượt khó, kịp thời tháo gỡ rào cản mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị phần tại những thị trường lớn.
Nhiều tín hiệu khả quan
Theo số liệu tổng hợp của Bộ NN&PTNT, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh. Tuy nhiên, sang quý III xuất khẩu đã phục hồi và tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 2,4 tỷ USD. Riêng trong tháng 9/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 790 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng xuất khẩu thủy sản 9 tháng năm 2020 đạt gần 6 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ 2019.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Cần Thơ. Ảnh: Công Hùng |
Trong 9 tháng, thủy sản Việt Nam có mặt tại 154 thị trường. Trong đó, 6 thị trường lớn nhất gồm: Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc và ASEAN chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu. Thị trường Mỹ tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019 nhờ lượng tôm xuất sang thị trường này tăng. Trung Quốc đã vượt qua EU trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam. Sau khi giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc bắt đầu ổn định và hồi phục dần, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc từ đầu năm đến tháng 9 vừa qua đều giảm nhẹ kim ngạch.
Nhận định về diễn biến thị trường trong thời gian qua, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) Trương Đình Hòe cho biết, 9 tháng năm 2020, xuất khẩu thủy sản đạt trên 6 tỷ USD, riêng mặt hàng tôm tăng trưởng 10,5% so với năm ngoái và đạt mức 2,7 tỷ USD, cá tra hơn 1 tỷ USD. Đây là tín hiệu khá tích cực trong tình hình các DN đang phải đối phó với tình hình dịch Covid-19 với nhiều khó khăn về thị trường.
“Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng do các DN thủy sản, đặc biệt là từ phía người nuôi đã làm tốt việc nắm bắt tình hình, nên nguồn nguyên liệu không bị thiếu hụt, đáp ứng được yêu cầu thị trường, trong khi nhiều quốc gia khác không đủ khả năng cung ứng cho thị trường” - ông Trương Đình Hòe khẳng định.
Phân tích thêm về giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam phục hồi và tăng trưởng tốt, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, mặc dù sức mua của thị trường không tăng, thậm chí giảm nhiều, nhưng do nguồn cung trên thị trường giảm nên giá cả cũng nhích lên. Đồng thời, DN Việt tập trung chuyển hướng xuất khẩu cho hệ thống bán lẻ, phục vụ nhu cầu thiết yếu người tiêu dùng, nên kết quả xuất khẩu trong 9 tháng qua có những triển vọng khả quan.
Tận dụng lợi thế từ thị trường lớn
Dù mới chính thức có hiệu lực được hơn 2 tháng, song EVFTA đã tạo cú hích xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Đơn cử như mặt hàng tôm, trong tháng 9/2020 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm, đưa giá trị xuất khẩu tôm sang EU 9 tháng năm 2020 đạt trên 371 triệu USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Trên thị trường EU, các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại. Ngành du lịch cũng bắt đầu khởi động.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ hoặc online tiếp tục tăng và nhu cầu tiêu thụ tôm cho phân khúc bán lẻ sẽ lớn hơn để chuẩn bị cho các kỳ nghỉ lễ cuối năm. EU là thị trường có tỷ suất lợi nhuận tốt và đây sẽ là thị trường được nhiều DN tập trung xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Do đó, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến tiếp tục tăng.
Theo dự báo của VASEP, mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, song thủy sản Việt Nam vẫn có cơ hội tại các thị trường lớn. Đối với thị trường Mỹ, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu tôm, nhất là tôm chân trắng vì sản phẩm này vẫn tiêu thụ tốt tại phân khúc bán lẻ. Đồng thời, Việt Nam có thể tăng chế biến và xuất khẩu các sản phẩm có thời hạn bảo quản lâu như cá ngừ, cá biển đóng hộp.
Đối với thị trường EU, mặc dù Covid-19 làm giảm nhu cầu và gây khó khăn cho giao thương thủy sản nhưng tôm chân trắng cũng đang có chiều hướng tăng tiêu thụ trên thị trường này. Ngoài ra, các mặt hàng thủy sản như: Tôm, cá ngừ, mực, bạch tuộc và nhuyễn thể đang được hưởng thuế 0% theo EVFTA sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU tăng trong những tháng cuối năm nếu các DN có nguồn nguyên liệu tốt và tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan.
Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc sẽ hồi phục trong những tháng cuối năm, khi nguồn cung trong nước của nước này đang bị sụt giảm. Thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ vẫn duy trì ổn định nhưng sẽ tăng tốt với mặt hàng tôm trong những tháng tới.
Gỡ vướng mắc, hỗ trợ xuất khẩu
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, mặc dù cánh cửa EVFTA đã được mở nhưng cũng còn rất nhiều rào cản. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người tiêu dùng châu Âu ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm được chứng nhận, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Do vậy, ngành thủy sản và các DN cần vượt qua rào cản, mở rộng diện tích vùng nuôi đạt tiêu chuẩn quốc tế để ổn định nguồn sản phẩm xuất khẩu; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu, uy tín, mở rộng thị phần tại thị trường có giá trị cao này.
Còn theo Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe, để tận dụng các ưu đãi EVFTA mang lại, ngành thủy sản cần tháo gỡ 4 rào cản, gồm: Chuỗi cung ứng vật tư; cung ứng giống cho nuôi trồng thủy sản; phát triển thị trường và cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu thủy sản.
Thời gian tới, để mở rộng thị phần tại châu Âu, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tạo điều kiện để DN đầu tư xây dựng vùng nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn; khuyến khích các công nghệ nuôi tiên tiến, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và giảm dịch bệnh.
Bên cạnh đó, là quyết liệt hơn trong việc gỡ thẻ vàng về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). “Để đạt lợi nhuận cao, DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường châu Âu nên tập trung vào sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao như các sản phẩm có thể sử dụng trực tiếp để phù hợp với những thay đổi của thị trường. Song song với đó cần tạo niềm tin đối với các nước châu Âu vào khả năng cung ứng của các DN Việt Nam” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khuyến nghị.
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) Trương Đình Hòe: "Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 3 tháng cuối năm sẽ đạt khoảng 2,3 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm tăng 9% đạt 1,1 tỷ USD, cá tra giảm 31% đạt 365 triệu USD, các mặt hàng hải sản đạt khoảng 854 triệu USD, tăng 7,5% với cùng kỳ năm 2019.
Với mức tăng trưởng này, dự báo xuất khẩu thủy sản của cả nước năm 2020 sẽ đạt khoảng 8,23% tỷ USD, giảm 4% so với năm 2019. Trong đó, tôm ước đạt gần 3,7 tỷ USD, cá tra đạt khoảng 1,4 tỷ USD, các mặt hàng hải sản đạt hơn 3,1 tỷ USD, giảm 3%" Nguồn: Báo Công thương |