Dù đang chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, song ngành thủy sản vẫn được nhận định sẽ hồi phục nhanh sau dịch bởi tín hiệu khả quan từ thị trường cùng các đòn bẩy về chính sách từ Chính phủ và các Bộ, ngành. Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, đến thời điểm này ngành thủy sản xuất khẩu đã chịu những tác động nào từ dịch Covid-19?
Dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu và tác động mạnh tại các quốc gia là thị trường tiêu thụ thủy sản chủ lực của Việt Nam, khiến các doanh nghiệp (DN) và nông - ngư dân trong chuỗi sản xuất thủy sản bị ảnh hưởng tiêu cực. Thể hiện rõ nhất là chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm bị “đứt gãy”, dòng hàng và dòng tiền đều thiếu hụt hoặc ùn ứ/tồn kho khiến DN chịu nhiều khó khăn. Kết quả xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm nay đã giảm 8% so với cùng kỳ và chỉ đạt 2,23 tỷ USD.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP |
Xét theo thị trường thì Trung Quốc sụt giảm 17%, EU giảm 18%, Hàn Quốc giảm 11% và ASEAN giảm 10%. Xét theo ngành hàng, cá tra bị tác động nặng nhất khi giảm trên 26%, mực-bạch tuộc giảm 22%, cá ngừ giảm 14%...
Dù vậy, chúng tôi cho rằng đây chỉ là sự sụt giảm trong ngắn hạn và ngành sẽ nhanh chóng phục hồi và vấn có thể đạt kim ngạch 8,6 tỷ USD trong năm nay - tương đương năm 2019.
Cơ sở nào để ông cho rằng ngành thủy sản sẽ nhanh chóng phục hồi, thưa ông?
Phải nói rằng với quyết sách, phương châm chống dịch vô cùng hiệu quả của Chính phủ đã phát huy tác dụng khiến cho niềm tin của các nhà đầu tư, các tập đoàn nhập khẩu - bán lẻ với Việt Nam, với thủy sản Việt Nam gia tăng đáng kể. Từ đó DN và người dân tin tưởng, tiếp tục thả nuôi, tham gia sản xuất ngay khi dịch được kiểm soát.
Trong khi đó, các quốc gia sản xuất thủy sản cạnh tranh chính với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuado phải phong tỏa cách ly chống dịch dẫn đến sự sụt giảm 50% sản lượng sản xuất, xuất khẩu; Indonesia hay Philippines, Thái Lan cũng giảm khoảng 30%. Các nước này sẽ có độ trễ đáng kể hơn Việt Nam về phục hồi sản xuất sau dịch để duy trì nguồn cung thủy sản cho thế giới. Đây là cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam.
Một điểm đáng lưu ý khác là chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu cho nuôi trồng và chế biến thủy sản hầu như không lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Các ngành hàng phụ trợ cho sản xuất thủy sản gồm thuốc, hóa chất, bao bì vật tư, trang thiết bị, dụng cụ cho nuôi trồng, chế biến,… có cơ hội phát triển tại Việt Nam, từ đó tạo điều kiện để các DN thủy sản chủ động hơn trong sản xuất. Với tất cả những thuận lợi nêu trê, tôi cho rằng sẽ tạo “cú huých” cho ngành thủy sản xuất khẩu hồi phục trở lại nhanh hơn sau dịch.
Với việc kiếm soát tốt dịch bệnh của Chính phủ đã tạo niềm tin cho người dân tin tưởng, tiếp tục thả nuôi, tham gia sản xuất |
Với những thuận lợi trên, theo ông ngành thủy sản cần những hỗ trợ gì để bứt phá ngay sau dịch?
Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ ngành cho DN bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như hậu Covid-19. Thêm vào đó, Chính phủ cần thúc đẩy hơn nữa hoạt động cải thiện môi ường kinh doanh, tăng cường các dịch vụ công trực tuyến để giảm bớt các gánh nặng tuân thủ, tiết giảm thời gian, chi phí làm thủ tục cho DN và người dân. Cụ thể là xác lập hàng “chế biến” đối với sản phẩm thủy sản thay vì bị áp đặt là sơ chế khi tính thuế thu nhập DN; sửa đổi quy định chung chung công việc chế biến thủy sản là “nặng nhọc độc hại”; sửa đổi quy định chỉ tiêu phospho trong nước thải chế biến thủy sản đã xử lý từ 20ppm lên 50ppm… Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ DN chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đón nhận các dự án đầu tư mới do sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam (cơ chế xây dựng kho lạnh trữ hàng, điều chỉnh mức đánh giá rủi ro tín dụng cao đối với nhóm ngành hàng thuỷ sản…)
Trong dài hạn, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ xem xét tạo điều kiện và hỗ trợ cho DN thủy sản thực hiện phát triển thị trường và nghiên cứu phát triển trong bối cảnh mới. Cụ thể là thúc đẩy Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực sớm nhất có thể, để các DN tranh thủ tăng cường tiêu thụ thuỷ sản ở thị trường EU rộng lớn trước các lợi thế so sánh với một số quốc gia xuất khẩu cạnh tranh; Chỉ đạo và có cơ chế để khôi phục hoặc tái lập Quỹ Phát triển thị trường thủy sản; Mở rộng thêm tín dụng cho xây dựng trại nuôi mới và mở rộng các trại nuôi; Khuyến khích các ngành sản xuất phụ trợ phát triển để chủ động được nguồn lực và ngăn chặn việc con giống, thức ăn tăng giá mỗi đầu vụ sản xuất; Thúc đẩy và hỗ trợ mạnh cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành thuỷ sản. Trước mắt xin đề xuất 2 dự án: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động nuôi tôm ở Việt Nam và triển khai sàn giao dịch điện tử cho con giống tiến tới có thể phát triển hình thức mua bán tương lai mặt hàng con giống theo mục tiêu quản lý chất lượng, giảm giá thành.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Nguồn: Báo Công thương