Bạn đang ở đây

Xuất khẩu thủy sản có thể đạt 8,9 tỷ USD năm 2018

06/11/2018 08:41:55

Thống kê của VASEP cho thấy, giá tôm bắt đầu phục hồi nên xuất khẩu tôm có xu hướng tăng trở lại so với những tháng trước, do vậy trong tháng 10, tăng trưởng âm chỉ còn 4,7% với 401 triệu USD. Tính đến cuối tháng 10, xuất khẩu tôm đạt gần 3 tỷ USD, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng đạt 2 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 69%, tôm sú chiếm 31% với 682 triệu USD, giảm 7%.

xuat khau thuy san co the dat 89 ty usd nam 2018
Xuất khẩu thủy sản có thể đạt 8,9 tỷ USD trong năm 2018

Về thị trường, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ bắt đầu khởi sắc nhờ thuế chống bán phá giá tôm POR12 giảm mạnh so với POR11, thêm tác động tăng cho giá trị xuất khẩu tôm trong thời gian tới. Dự báo xuất khẩu tôm cuối năm sẽ cán đích ở mức gần 3,8 tỷ USD, tương đương hoặc giảm nhẹ so với năm ngoái.

Xuất khẩu cá tra tháng 10 tiếp tục tăng mạnh 54% đạt 255 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu 10 tháng đầu năm lên trên 1,8 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cá tra giống và cá tra nguyên liệu tăng mạnh, nguồn cung thiếu là những yếu tố khiến giá trung bình xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng và xu hướng này sẽ tiếp tục cho đến cuối năm nay.

Con cá tra Việt đang đón nhận những tín hiệu khả quan từ thị trường Hoa Kỳ khi kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá giai đoạn POR14 thấp hơn so với POR13 và FSIS Hoa Kỳ đã công nhận và đề xuất công nhận cá tra Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, sẽ tiếp tục tác động tích cực đến xuất khẩu cá tra trong những tháng tiếp theo. Dự báo xuất khẩu cá tra cả năm 2018 sẽ đạt trên 2,2 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2017.

Như vậy, tôm và cá tra - hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta đều đang đón nhận những tín hiệu tốt từ thị trường Hoa Kỳ. Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP, việc FSIS công nhận hệ thống kiểm soát cá da trơn của Việt Nam tương đương với Hoa Kỳ có ý nghĩa rất lớn, chứng minh quy trình sản xuất cá tra của Việt Nam được tổ chức kiểm soát tốt và hoàn toàn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này sẽ góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh cá tra Việt Nam không chỉ riêng ở thị trường Hoa Kỳ mà còn ở các thị trường nhập khẩu khác hiện nay.

Những năm gần đây, thuế chống bán phá giá và Luật FarmBill là rào cản lớn nhất khiến xuất khẩu tôm và cá tra của Việt Nam gặp khó khăn ở thị trường Hoa Kỳ. Do vậy, với tín hiệu tích cực này thì xuất khẩu thủy sản của Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều cơ hội hơn ở thị trường Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Cá ngừ xuất khẩu trong tháng 10 tăng khá cao với mức 21% đạt 70 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu 10 tháng đầu năm lên 536 triệu USD, tăng 10%. Cũng như các mặt hàng hải sản khác bị tác động bởi thẻ vàng IUU, xuất khẩu cá ngừ dù vẫn giữ tăng trưởng dương, nhưng mức tăng thấp dần qua các tháng và thấp hơn nhiều so với tăng trưởng của năm 2017. Dự báo xuất khẩu cá ngừ cả năm 2018 sẽ đạt khoảng 660 triệu USD, tăng 11%.

Xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng 12% đạt 69 triệu USD, và đạt 543 triệu USD tính đến cuối tháng 10. Dự kiến năm 2018, xuất khẩu mặt hàng này sẽ đạt khoảng 650 triệu USD, tăng 4%.

Ông Trương Đình Hòe cho hay, thông thường hàng năm xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam cũng chỉ đạt khoảng trên dưới 700 triệu USD/tháng. Từ nay đến cuối năm nếu giữ được tốc độ tăng dần trung bình mỗi tháng trên 100 triệu USD, thì khả năng mặt hàng này có thể đạt kim ngạch 8,9 tỷ USD trong năm nay, tăng 7% so với năm 2017.

Nguồn: Báo Công thương