Bạn đang ở đây

Xuất khẩu gạo năm 2020: Chú trọng vào các giống lúa chất lượng cao

26/12/2019 09:42:41

Đó là trao đổi của ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) với phóng viên Báo Công Thương xung quanh những kết quả mà ngành xuất khẩu gạo đã đạt được trong năm 2019 cũng như định hướng năm 2020.

xuat khau gao nam 2020 chu trong vao cac giong lua chat luong cao

Xuất khẩu không đạt như kỳ vọng

Năm 2019, theo dự báo của Hiệp hội lương thực Việt Nam thì xuất khẩu gạo sẽ khó chạm đích 3 tỷ USD như mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.

Nguyên nhân được chỉ ra là do giá gạo xuất khẩu trong năm đã giảm rất mạnh, tới mốc gần 13% so với năm 2018 và chỉ đạt bình quân 439,3 USD/tấn trong 11 tháng 2019.

Các thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong 11 tháng năm 2019 xuất khẩu gạo dù đạt 5,91 triệu tấn, tăng 4,8% về lượng nhưng giá trị thu về lại chỉ đạt 2,6 tỷ USD, giảm trên 9,4% so với cùng kỳ.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch VFA cho biết, mặc dù xuất khẩu gạo nói chung trong năm 2019 có nhiều giảm sút về giá trị nhưng trên diện rộng xuất khẩu gạo vẫn có những điểm sáng khi đã kịp thời chuyển dịch mạnh sang xuất khẩu gạo chất lượng cao, bắt nhịp được với thị trường thế giới.

Cụ thể, theo ông Nam, Philippines đang là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại gạo của Việt Nam, trong 11 tháng đạt gần 2 triệu tấn, chiếm 33,6% trong tổng lượng và chiếm 31,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, tăng 155,4% về lượng và kim ngạch tăng 133,6% so với cùng kỳ năm trước.

“Có thể thấy cái may là năm 2019 Philippines mở ra cơ chế mới nên chúng ta vẫn có những hợp đồng lớn, tăng hơn so với cùng kỳ. Tất nhiên giá xuất khẩu không cao như năm 2018 nhưng đó là cơ chế thị trường và chúng ta phải chấp nhận”, ông Nam nhìn nhận.

Ngoài thị trường Philippines, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bờ Biển Ngà là thị trường lớn thứ 2 tiêu thụ gạo của Việt Nam đạt 534.997 tấn, tương đương 231,45 triệu USD, chiếm 9% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Ngoài ra, Trung Quốc - thị trường lớn thứ 3, đã mua gần nửa triệu tấn gạo của Việt Nam, chiếm 8% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu.

Một số thị trường ở Đông Nam Á cũng có sự tăng trưởng khá khi đạt 2,63 triệu tấn, tương đương 1,09 tỷ USD, tăng 25,5% về lượng và tăng 12,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2018.

Chú trọng vào các giống lúa chất lượng cao

Chia sẻ về định hướng xuất khẩu trong 2020, ông Đỗ Hà Nam cho biết, thời điểm này vẫn chưa thể nói cụ thể con số mục tiêu mà ngành gạo sẽ đặt ra. Tuy nhiên về về mặt chiến lược, ngành gạo cần phải phát triển các loại gạo mới có chất lượng, thương hiệu bên cạnh việc chú trọng tới khâu sản xuất, xây dựng quảng bá hình ảnh.

“Sau bài học từ cơn sốt gạo ngon nhất thế giới ST25 chúng ta có thể khẳng định rằng người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm hơn đến những sản phẩm có giá trị cao, có uy tín trên thị trường. Chính vì thế, chúng ta cần nghiên cứu đầu tư sâu giống mới cũng như sản xuất mặt hàng lúa thơm có lợi nhuận cao thay vì trồng các loại gạo trắng bình thường có giá trị thấp”, ông Nam nêu quan điểm.

Thực tế đã cho thấy, hiệu ứng từ gạo ST25 đã khiến loại gạo ST24 của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu được quan tâm, tiêu thụ mạnh hơn, kéo theo giá thành được đẩy giá lên rất cao từ 22.000 đồng/kg lên 34.000 – 35.000 đồng/kg. Theo các doanh nghiệp gạo, tuy rằng giá cả không phải là vấn đề quyết định thành công của một sản phẩm nhưng điều này cho thấy gạo có chất lượng tốt và uy tín sẽ được thị trường đón nhận.

Ngoài chú trọng sản xuất các giống lúa chất lượng, năm 2020, đại diện VFA cho biết ngành gạo sẽ tập trung hơn vào một số thị trường ở Châu Phi, Trung Đông, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về giấy tờ, chứng nhận ở các thị trường nội khối của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tuy nhiên, để làm được điều này, VFA cho rằng các Tham tán thương mại ở những thị trường mà Việt Nam có FTA cần có sự phối hợp cung cấp thông tin cho doanh nghiệp xuất khẩu. Cụ thể là những giấy tờ, chứng từ liên quan mà các thị trường yêu cầu hiện nay như thế nào và doanh nghiệp phải làm gì cho phù hợp.

Bên cạnh đó, vấn đề về vốn cũng cần được xem xét hợp lý để các doanh nghiệp tiếp cận nhằm tăng cường nguồn vốn để đầu tư sản xuất theo hướng đổi mới công nghệ đi vào chiều sâu.

Nguồn: Báo Công thương