Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng trưởng ngoạn mục tới 26,4% và đã thiết lập kim ngạch cao nhất từ trước tới nay với 2,26 tỷ USD.
Dự báo năm 2019, cá tra vẫn còn đà phát triển tốt và mục tiêu xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2,4 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại Công ty Thủy sản Biển Đông (Cần Thơ). Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN |
Năm 2018, xuất khẩu cá tra tăng trưởng ngoạn mục
Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi cá tra năm 2018 đạt 5.400 ha, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2017; sản lượng thu hoạch đạt 1,42 triệu tấn, tăng 8,4% so với năm 2017.
Năm 2018, xuất khẩu cá tra có sự phát triển ngoạn mục, từ kim ngạch 1,78 tỷ USD năm 2017 bật lên đạt mức kỷ lục 2,26 tỷ USD, tăng trưởng 26,4% so với năm 2017. Trên thực tế, trong khi suốt 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ từ 1,5 đến 1,8 tỷ USD.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tăng trưởng vượt bậc đối với cá tra có được là nhờ sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố. Đầu tiên là nền tảng từ năm 2017 đã có những kết quả tốt, cá tra ở mức giá cao.
Một phần quan trọng là các doanh nghiệp cá tra đã ý thức được việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất theo chuỗi từ con giống đến chế biến, tiêu thụ đã giúp các doanh nghiệp chủ động nguồn cung để đưa ra thị trường.
Ngoài ra, năm 2018, nhu cầu từ các thị trường đều tăng. Đáng chú ý là thị trường Mỹ, sau quá trình kiểm tra thực tế tại Việt Nam, Cục Kiểm tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đề xuất công nhận cá tra, basa Việt Nam có hệ thống kiểm soát chất lượng tương đương cá da trơn Mỹ và đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ. Điều này đã minh chứng cho thế giới thấy chất lượng của cá tra Việt Nam.
Đồng thời, thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ giảm, một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra có thuế suất 0% đã giúp thị trường quan trọng này tăng trưởng vượt bậc.
Theo đó, nhờ giá trị tăng trưởng tốt của một số thị trường lớn truyền thống, như: Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN… đã kéo tổng giá trị xuất khẩu cá tra tăng lên.
Trong đó, Mỹ là thị trường tăng trưởng cao nhất với tốc độ 54,5%, chiếm 24,2% thị phần, trở lại là thị trường số 1 của cá tra Việt Nam.
Thị trường Trung Quốc với mức tăng trưởng 29,3%, chiếm 23,7% thị phần, đứng ở vị trí số 2. Thị trường EU đã hồi phục ấn tượng sau thời gian dài sụt giảm, tính đến hết năm 2018, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU tăng 17,1% so với năm ngoái.
Dự báo năm 2019 cá tra vẫn còn đà phát triển tốt
Nuôi cá tra thương phẩm tại vùng nuôi chuyên canh ở phường Tân Lộc (Cần Thơ). Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN |
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2019 ngành thủy sản nói chung và cá tra nói riêng sẽ gặp cả thuận lợi và khó khăn. Kinh tế thế giới đang trên đà tăng trưởng trở lại, khả năng nhu cầu tiêu dùng tăng cao hơn trong đó có sản phẩm thủy sản.
Các Hiệp định CPTTP và EVFTA có hiệu lực sẽ là động lực giúp cho thương mại của Việt Nam có nhiều thuận lợi, cũng như cả thách thức…
Theo các chuyên gia, dự báo năm 2019 cá tra vẫn còn đà phát triển tốt, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc còn nhiều tiềm năng do nhu cầu tiêu thụ lớn, sản phẩm đa dạng, thị trường gần. Tuy nhiên, thị trường này thiếu ổn định.
Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu cá tra trong năm 2019 sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 2,4 tỷ USD. Để đạt được kết quả này, diện tích nuôi cá tra trong năm tới dự kiến tăng lên 5,5 triệu ha với sản lượng ước đạt gần 1,47 triệu tấn.
Theo các chuyên gia, để xuất khẩu cá tra tiếp tục tăng trưởng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nhanh chóng tối ưu hóa dây chuyền sản xuất giảm chi phí đầu vào và có từng phân khúc khách hàng riêng để tránh làm ảnh hưởng đến nhau./.
Nguồn: Báo Công thương