Đổi thay ở chợ Neo
Trái hẳn với trước kia, 2 năm trở lại đây, hàng hóa tại chợ Neo (xã Bắc Lương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) được bày bán đúng nơi quy định; các mặt hàng bán tại cửa hàng kinh doanh thực phẩm được kiểm định nghiêm ngặt về xuất xứ; giò chả, thịt, cá biển, rau củ quả được lấy mẫu để kiểm tra các loại chất cấm như hàn the trong giò chả, sabutamol trong thịt, focmon trong cá, thuốc bảo vệ thực vật còn tồn đọng trong rau củ quả. Sau mỗi buổi chợ, rau, rác, thực phẩm dư thừa không bị vứt bừa bãi mà được thu gom về đúng nơi quy định...
Khu vực bán thực phẩm tươi sống ở chợ Neo được quy hoạch vệ sinh, sạch sẽ |
Sự đổi thay tích cực này là kết quả của quá trình chợ Neo - chợ nằm ở trung tâm huyện Thọ Xuân – xây dựng chợ theo tiêu chí chợ ATTP. Cùng với việc thành lập Ban chỉ đạo công tác vệ sinh ATTP, các tổ giám sát cộng đồng thôn, tổ giám sát chợ…, Ban Quản lý chợ Neo đã mạnh tay đầu tư hơn 7 tỷ đồng nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt chú trọng đến việc quy hoạch cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn.
Song song với đó, công tác thông tin, tuyên truyền cũng được xã Bắc Lương thực hiện thông qua các hình thức treo băng zôn, khẩu hiệu về đảm bảo ATTP. Kêu gọi các hộ trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và thực hiện quy trình sản xuất, chăn nuôi đảm bảo vệ sinh ATTP. Hơn thế, để người dân có ý thức, trách nhiệm chấp hành, khi phát hiện có trường hợp vi phạm vệ sinh ATTP, các bộ phận chức năng của Bắc Lương đều cương quyết xử lý theo đúng quy định.
Mục tiêu xây dựng 100 chợ ATTP
Chợ Neo là 1 trong 398 chợ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và là một trong những chợ xã rất tích cực xây dựng chợ ATTP. Cùng với chợ Neo còn có các chợ xã khác như: chợ Kiểu (Yên Định), chợ Hậu Hiền (huyện Thiệu Hóa), chợ Nghè (huyện Hậu Lộc), chợ Vân Du (huyện Thạch Thành), chợ Vồm, chợ Tào (TP. Thanh Hóa), chợ Yên Thọ (huyện Như Thanh), chợ Điền Lư (huyện Bá Thước)... cũng đã hoàn thành tiêu chí chợ ATTP từ năm 2018.
Chia sẻ câu chuyện xây dựng chợ ATTP, ông Lữ Minh Thư – Phó Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết: Việc xây dựng chợ ATTP được Thanh Hóa áp dụng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11856:2017. Trong quá trình thực hiện, Sở Công Thương Thanh Hoá đã ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết các tiêu chí xây dựng chợ ATTP, giao phòng chuyên môn thường xuyên làm việc trực tiếp tại các chợ, hướng dẫn các đơn vị quản lý chợ thành lập và triển khai nhiệm vụ của Tổ giám sát ATTP tại chợ; đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kinh doanh thực phẩm; thực hiện các quy định đối với các hộ tiểu thương kinh doanh thực phẩm và các yêu cầu đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm.
Cùng với sự quyết tâm của Sở Công Thương và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, hết năm 2018, Thanh Hoá đã có 35 chợ ATTP theo TCVN 11856:2017. Với kết quả này, Thanh Hoá trở thành tỉnh có số lượng chợ được công bố hợp chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm cao nhất trong cả nước. Năm 2019, Thanh Hóa tiếp tục đặt ra mục tiêu phải xây dựng thành công 100 chợ kinh doanh thực phẩm. “Hết 6 tháng đầu năm 2019, đã có 31 chợ hoàn thành, nâng tổng số chợ ATTP của Thanh Hóa lên 66 chợ” – ông Lữ Minh Thư phấn khởi thông tin.
Có thể nói, xây dựng, duy trì chợ ATTP là câu chuyện không hề đơn giản - đòi hỏi sự vào cuộc rất tích cực của chính quyền, các cấp, ngành, Ban quản lý chợ, các tiểu thương và cả người tiêu dùng. Tuy nhiên, chợ ATTP lại là hướng đi căn bản để các chợ truyền thống có thể tồn tại và đủ sức cạnh tranh với các siêu thị, trung tâm thương mại đang xuất hiện ngày càng nhiều như hiện nay. Nói cách khác, sau những trăn trở, nỗ lực, xứ Thanh đang có hướng đi rất đúng khi quyết tâm xây dựng và nhân rộng mô hình chợ ATTP trên toàn tỉnh.
Nguồn: Báo Công thương