Trước những thay đổi của thị trường, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trong làng nghề truyền thống gặp không ít khó khăn trong việc nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm có thương hiệu nhưng thiếu nhãn hiệu. Do vậy, cùng với sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành, các làng nghề thủ công mỹ nghệ đã nỗ lực để tìm hướng đi mới, phù hợp với thực tế hiện nay.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, ngày 15/10, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phối hợp với Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội thảo “Tư vấn xây dựng thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các cơ sở CNNT trong làng nghề”. Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 cơ sở CNNT, doanh nghiệp công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đơn vị sản xuất - kinh doanh, thành viên, hội viên Hiệp hội Làng nghề Việt Nam các tỉnh phía Bắc.
Hội thảo “Tư vấn xây dựng thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các cơ sở CNNT trong làng nghề” thu hút sự tham gia của nhiều cơ sở CNNT, doanh nghiệp công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ... phía Bắc |
Thông tin tại hội thảo, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đề cao sự gắn kết giữa nhà sản xuất, nhà thiết kế mẫu mã và xây dựng thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề đã mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng đất nước, an sinh xã hội và nâng cao đời sống cho người dân.
Ông Dần cũng cho biết thêm, cả nước hiện có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, thu hút trên 13 triệu lao động, mang lại giá trị xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD/năm. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn nữa nếu được quan tâm đến kiểu dáng và mẫu mã. “Để có một mẫu mã đẹp cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ không phải là chuyện của ngày một, ngày hai mà là quá trình tìm kiếm, chắt lọc và sáng tạo, đòi hỏi người nghệ nhân không chỉ khéo léo về kỹ thuật, kỹ xảo, nắm vững được đặc tính của chất liệu chế tác mà còn đòi hỏi khả năng tư duy sáng tạo và tâm hồn nghệ sĩ của nghệ nhân thủ công mỹ nghệ” - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho hay.
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam chia sẻ tại hội nghị |
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng thương hiệu tại Hưng Yên, bà Trần Thị Hồng Hạnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên - thông tin, Hưng Yên là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, nằm trong cái nôi của nền văn minh nông nghiệp lúa nước châu thổ sông Hồng của người Việt từ hàng nghìn năm trước, nhiều nghề thủ công truyền thống của Hưng Yên đã ra đời và phát triển. Trong đó, nhiều làng nghề đã tồn tại với lịch sử lâu đời, có tiềm năng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong việc phát triển du lịch làng nghề.
Hưng Yên có nhiều làng nghề nổi tiếng như: hương xạ Cao Thôn; tương bần Yên Nhân; trồng và chế biến dược liệu Nghĩa Trai; nấu rượu Trương Xá; làm đồ chơi trung thu Ông Hảo; chạm bạc Huệ Lai,… Toàn tỉnh hiện có 54 làng nghề, các làng nghề hoạt động theo từng nhóm nghề khác nhau, với hơn 11,3 nghìn cơ cở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho gần 33 nghìn lao động. Doanh thu của các làng nghề hàng năm đạt trên 7.000 tỷ đồng. Những năm qua, công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các làng nghề đã được lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, các địa phương quan tâm chú trọng, nhờ đó các sản phẩm đã được bảo hộ độc quyền, sản phẩm đã được người dân trong và ngoài nước biết đến, một số sản phẩm đã được xuất khẩu ra nước ngoài, như sản phẩm tương bần; sản phẩm đúc đồng của làng nghề đúc đồng truyền thống Lộng Thượng; hương Cao Thôn,… Việc xây dựng thương hiệu được các địa phương, làng nghề triển khai thực hiện rất tích cực, đã có nhiều làng nghề đề xuất các cơ quan chức năng hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu.
Hội thảo cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến tham luận của nhiều cơ quan, ban ngành, các nghệ nhân, hội viên làng nghề xoay quanh chủ đề “tư vấn xây dựng thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các cơ sở CNNT trong làng nghề”. Trong đó, TS. Nguyên Vi Khải, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã trình bày về “Thực trạng và vai trò xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề truyền thống hiện nay”.
Theo tiến sĩ Nguyễn Vi Khải, điểm yếu của sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề đó là thiết kế mẫu. Để có một mẫu mã đẹp, không phải là chuyện ngày một, ngày hai mà là quá trình tìm kiếm, chắt lọc và sáng tạo, đòi hỏi người nghệ nhân không chỉ khéo léo về kỹ thuật, kỹ xảo, nắm vững được đặc tính của chất liệu chế tác mà còn đòi hỏi khả năng tư duy sáng tạo và tâm hồn nghệ sĩ của nghệ nhân.
Nói về mối quan hệ thương hiệu và sản phẩm trong nền kinh tế thị trường và sự cần thiết phải xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống, ông Trịnh Quốc Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - cho rằng, để làng nghề phát triển, cần thiết phải xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống...
Các sản phẩm mây tre đan được nhiều người tiêu dùng trên thế giới biết đến |
Chia sẻ về việc phát triển Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với sản phẩm làng nghề truyển thống, đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, với việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai Chương trình OCOP, hàng chục nghìn sản phẩm quy mô cấp huyện, xã sẽ là mục tiêu để nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã bao bì và tăng cường quảng bá xúc tiến thương mại, hướng đến xuất khẩu. Trong đó, cần thiết nhất là phải đầu tư cho khâu thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm vì đây là tiêu chuẩn trong tiêu chí chấm điểm sản phẩm OCOP, cũng là bước khẳng định để phát triển sản phẩm làng nghề, giúp tiêu thụ sản phẩm bản địa hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững hơn.
Thông qua những thảo luận, tư vấn, góp ý của các đại biểu tham gia hội thảo, có thể thấy việc xây dựng thương hiệu ở Việt Nam còn chưa được đầu tư quan tâm đúng mức, việc xây dựng thương hiệu chưa gắn với xây dựng chiến lược phát triển của cơ sở CNNT trong sản xuất. Do đó, điều cần thiết nhất là cần nâng cao nhận thức về việc xây dựng thương hiệu mạnh cho các cơ sở CNNT để tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường và coi đây là chiến lược liên tục, lâu dài.
Nguồn: Báo Công thương