Bạn đang ở đây

Vượt sóng Covid- 19: Ngành da giày mong chờ thực thi chính sách Kỳ II: Chính phủ chia lửa cùng doanh nghiệp

10/04/2020 10:22:40

Bằng các gói hỗ trợ tài chính, hoãn, giảm các loại thuế phí, Chính phủ và các Bộ, ngành đang chia lửa cùng DN vượt qua thời điểm khó khăn, quyết tâm này đang đem lại niềm tin và sự kỳ vọng.

Kịch bản xấu

Hiện có tới 80% số DN trong ngành da giày đang sản xuất gia công, có nghĩa sản xuất đang phụ thuộc hoàn toàn vào các đơn hàng XK. Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục kéo dài, bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) lo ngại ngành sẽ đối mặt với kịch bản xấu trong những tháng tiếp theo.

Nói về đơn hàng trong quý II và quý III, bà Xuân cho hay: Một số DN có đơn hàng vẫn đang cố gắng sản xuất để kịp giao cho khách nhưng triển vọng giao hàng là không cao, khả năng bị từ chối đơn hàng lớn. Đối với quý III và quý IV, còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Nếu như dịch bệnh giảm, cửa hàng mở cửa trở lại, DN còn có cơ hội tiếp tục nhận được đơn hàng. Còn nếu như dịch bệnh tiếp tục căng thẳng, đơn hàng sẽ giảm, tối thiểu là 30% và nhiều DN có thể không có đơn hàng nữa. Điều này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đối với DN sản xuất da giày trong nước.

“Nghiêm trọng ở đây là việc làm cho người lao động sẽ không được đảm bảo. Bắt đầu sang tháng 4, DN đã phải giãn việc, cho công nhân nghỉ luân phiên thậm chí phải yêu cầu công nhân nghỉ hết phép”, bà Xuân nói.

ky ii chinh phu chia lua cung doanh nghiep
Các doanh nghiệp ngành da giày mong chờ thực thi chính sách

Lefaso cũng đưa ra dự báo, đến giữa tháng 4 khoảng 70-80% DN sản xuất da giày trong nước dừng việc, tương đương khoảng 800 nghìn lao động bị ảnh hưởng, đến cuối tháng 4 thì toàn bộ DN dừng việc sẽ có khoảng 1,2 triệu lao động bị ảnh hưởng. Da giày vốn là ngành thâm dụng lao động, mất việc làm sẽ không chỉ có hơn 1 triệu lao động mất thu nhập mà còn kéo theo một con số khổng lồ người thân, do vậy tác động tới an sinh xã hội là rất lớn. Bản thân DN cũng phải chịu áp lực về tài chính khi phải chi trả trợ cấp cho người lao động theo quy định hiện hành.

Trong nỗ lực tự cứu mình, đã có DN chuyển đổi mô hình sản xuất để phù hợp hơn. Đơn cử, Công ty TNHH Harco, từ đầu tháng 3 đã chuyển một phần hoạt động sang sản xuất mặt hàng giày vải đồng thời chuyển 35% đơn hàng XK sang thị trường nội địa. “Giày vải là mặt hàng chịu tác động ít hơn so với các loại sản phẩm khác. Đây cũng là sản phẩm có khả năng phát triển rất tốt ở thị trường trong nước. Nhờ vậy mà DN vẫn duy trì được hoạt động trong thời điểm hiện nay”, ông Phạm Hồng Việt- Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Harco cho biết.

Chuyển hướng sang thị trường nội địa là hướng đi mới nhưng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, việc thắt chặt chi tiêu của người dân là điều sẽ xảy ra. Hơn nữa, 80% số DN ngành sản xuất gia công với 1,2 tỷ đôi giày, dép XK mỗi năm, cho dù chỉ chuyển đổi một phần sản lượng sang sản xuất, tiêu thụ nội địa thì vẫn quá tải so với dung lượng thị trường nội địa (150 triệu đôi giày, dép/năm). DN da giày khó vẫn chồng khó.

Kỳ vọng vào các giải pháp

Trước vô vàn khó khăn do dịch bệnh mang lại, Chính phủ, các Bộ, ngành đã ngay lập tức có giải pháp ứng phó, chia lửa cùng DN. Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, các bộ ngành liên quan cũng liên tiếp ban hành những chính sách thiết thực.

Theo đó, gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng được các ngân hàng tung ra cho khách hàng vay mới với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5%-1,5%/năm; Ngân hàng Nhà nước giảm hàng loạt lãi suất điều hành, trong đó lãi suất trần cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các ngân hàng giảm chỉ còn 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm còn 5%/năm và tái chiếu khấu chỉ còn 3,5%/năm…; gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Trên cơ sở kiến nghị của DN, hiệp hội ngành hàng, các Bộ, ngành cũng ban hành nhiều chính sách hữu ích khác trợ sức cho DN, như: Lùi thời điểm đóng phí công đoàn; chỉ xử phạt vi phạm hành chính DN nợ BHXH từ 31/12/2019 trở về trước, không phát động chiến dịch thanh tra năm 2020 về BHXH…

Những giải pháp trên đã ngay lập tức tạo được niềm tin cho cộng đồng DN nói chung và DN da giày nói riêng. Ông Trần Quang Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giày Phúc Yên chia sẻ: Dù các gói hỗ trợ chủ yếu dành cho các loại hình vay vốn, hỗ trợ giảm lãi suất đối với những đơn vị phải mua nguyên vật liệu đầu vào nhưng cũng là rất tốt. Các chính sách miễn giảm, lùi đóng BHXH, công đoàn cho người lao động cũng giúp DN phần nào giảm gánh nặng chi phí.

Chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã có, tuy nhiên điều DN lo là làm sao tiếp cận được. Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Kết nối Châu Âu – EURO LINK bày tỏ: Việc tiếp cận các gói hỗ trợ lại không đơn giản, cần nhiều điều kiện và thủ tục khá phức tạp. Do vậy, ông Thành đề xuất, Chính phủ nới lỏng hơn nữa các điều kiện được nhận hỗ trợ, nhanh chóng đưa các chính sách này vào thực thi, trợ sức cho DN đúng thời điểm.

Phó Chủ tịch Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh – ông Nguyễn Văn Khánh cũng đồng tình: Việc tiếp cận gói hỗ trợ 250 nghìn tỷ đồng của các DN gặp nhiều khó khăn do các thủ tục rườm rà. DN phải làm báo cáo kiểm toán, đánh giá thiệt hại, tình hình hoạt động, chứng minh thanh khoản… Do đó, các DN nhỏ hầu như không thể tiếp cận được gói hỗ trợ này.

“Thời điểm này, các DN XK nói chung, da giày nói riêng không có đơn hàng mới mà chỉ thực hiện các đơn hàng đã ký nên vốn vay mới hầu như không cần. Cái DN cần lúc này là giãn thời hạn trả nợ cũ, giảm lãi với các khoản vay cũ…”, ông Khánh nhấn mạnh.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Chính phủ đã thống nhất cao với Dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid -19, 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ với tổng số tiền khoảng 35.880 tỷ đồng, Ngân hàng chính sách xã hội cũng sẽ hỗ trợ người sử dụng lao động tổng hạn mức vay 16.200 tỷ đồng với lãi suất 0% để trả lương công nhân. Gói hỗ trợ này sẽ giúp giảm đáng kể gánh nặng tài chính chi trả chế độ cho người lao động của DN.

Nguồn: Báo Công thương