Các nhà khoa học GE giới thiệu về máy CT thế hệ mới |
Cho đến nay, sản phẩm của GE đã hiện hữu trên thị trường toàn cầu, từ lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp hàng không, năng lượng đến chăm sóc sức khoẻ… Tuy nhiên không phải ai cũng biết đằng sau những sản phẩm, dịch vụ tiện ích, an toàn mà GE đã và đang làm “vì một thế giới tốt đẹp hơn” có sự đóng góp của hàng nghìn nhà khoa học đang miệt mài cống hiến thầm lặng tại các trung tâm nghiên cứu của Tập đoàn, trong đó có trung tâm Công nghệ John F. Welch (JFWTC) ở Bangalore Ấn Độ.
Với diện tích hơn 200 ha nằm ở Bangalore – nơi được coi là thung lũng Silicon thứ hai của thế giới, JFWTC là nơi làm việc của khoảng 5.300 kỹ sư và nhà khoa học được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2000 đến nay. Sau gần 20 năm phát triển, trung tâm đã cho ra đời hàng ngàn sáng kiến trên nhiều lĩnh vực bao gồm hàng không, y tế, năng lượng và năng lượng tái tạo. Đây cũng là một trong những tổ chức nghiên cứu công nghiệp đa dạng nhất thế giới, đi đầu trong việc thiết kế các giải pháp công nghệ tiên tiến định hình tương lai và đã đóng góp cho hơn 3.500 bằng sáng chế cho GE.
Trong chuyến thăm trung tâm vào trung tuần tháng 10/2019, đoàn nhà báo ASEAN đã được tận mắt chứng kiến các công trình nghiên cứu của GE ngoài nước Mỹ. Tại đây, chúng tôi đã được trực tiếp tham quan nơi làm việc của các nhà khoa học tại JFWTC và tìm hiểu quy trình phát triển các giải pháp, các công nghệ sáng tạo. Những cỗ máy “hiệu suất cao nhất”, “mạnh mẽ nhất”, “thân thiện với môi trường nhất” là đặc trưng của GE. Hơn nữa, ít ai biết rằng từ chính “thung lũng Silicon thứ hai” này, qua những màn hình máy tính, các kỹ sư có thể theo dõi và đưa ra phương án cải thiện hoạt động của những nhà máy nằm ở Mỹ hay châu Âu hay máy bay đang bay trên bầu trời khắp thế giới, nhờ sự hỗ trợ của cảm biến và dữ liệu.
Theo lãnh đạo GE, kinh tế xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu và sự đòi hỏi của con người ngày càng tăng cao hơn. Đơn cử như cần năng lượng sạch, cần những chuyến bay an toàn, thoải mái và nhanh hơn; hay cần những thiết bị chăm sóc tân tiến nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức còn tồn tại hoặc mới nảy sinh như hạ tầng cũ kỹ, quá trình đô thị hoá nhanh, thiếu năng lượng, ô nhiễm không khí, bệnh tật…
Trung tâm nghiên cứu về động cơ máy bay của GE tại Ấn Độ |
Để giải quyết những thách thức nội tại, đồng thời đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cách duy nhất là sáng tạo ra những công nghệ mới ở tất cả các lĩnh vực. Đó cũng là sứ mệnh mà GE theo đuổi hơn 125 năm qua.
Trên thực tế, tại thị trường toàn cầu nói chung và Asean nói riêng, những sản phẩm công nghệ của GE ra đời từ trung tâm JFWTC đã giúp các quốc gia giải quyết được các thách thức, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với sự biến đổi không ngừng của thời đại.
Đơn cử như công nghệ tuabin khí hiện đại, công nghệ trong ngành năng lượng tái tạo (gió và mặt trời) do GE phát kiến đã được sử dụng để cung cấp nguồn điện sạch cho Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam…; Hay động cơ thế hệ mới được sử dụng trong máy bay của các hãng hàng không nổi tiếng như Boeing/Airbus đã giúp cho hành khách những chuyến bay nhanh, an toàn và tiện nghi hơn; Hoặc các thiết bị y tế tiên tiến hiện đại, giá cả phải chăng đã giúp hàng triệu triệu bệnh nhân được cứu sống, kéo dài tuổi thọ hoặc đơn giản là được chăm sóc tốt hơn.
Kể đến một số công nghệ cụ thể của GE không thể không nhắc đến Tua bin khí 9HA - giữ kỷ lục thế giới về việc cung cấp năng lượng cho nhà máy điện chu trình hỗn hợp hiệu quả nhất với hiệu suất 63,08%. Tại ASEAN, GE sẽ cung cấp hai tổ máy cho Thái Lan (1.400MW), năm tổ máy cho Malaysia (3,5GW) và hai tổ máy cho Indonesia (2.540MW)…nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia này.
Trong lĩnh vực y tế, Revolution ACT, một máy quét CT toàn thân được thiết kế và phát triển với nhiều ưu điểm vượt trội như gọn nhẹ, tiêu thụ năng lượng thấp, quét nhanh hơn, chất lượng hình ảnh cao, giao diện dễ sử dụng và công nghệ X quang liều thấp (tác động đến sức khoẻ cho người sử dụng ít hơn) nhưng giá cả phải chăng. Cho đến nay, GE đã cung cấp khoảng 150 chiếc cho thị trường Asean (Việt Nam 40 chiếc; Indonesia 39 chiếc; Philippines 34 chiếc và một số quốc gia khác như Myanmar…).
Một loại thiết bị khác dùng để chăm sóc trẻ sơ sinh do GE nghiên cứu, chế tạo đó là nôi Lullaby Warmer có chức năng làm ấm, hồi sức và quang trị liệu giúp giải quyết tình trạng tử vong ở trẻ sơ sinh. Hiện đã có khoảng 2000 nôi Lullaby Warmer đã được lắp đặt tại ASEAN với các thị trường chính là Thái Lan (hơn 420 đơn vị), Indonesia (hơn 400 đơn vị), Malaysia (hơn 260 đơn vị), Philippines (hơn 235 đơn vị) và Myanmar (hơn 210 đơn vị); hay thiết bị Lullaby LED PET được sử dụng để điều trị vàng da sơ sinh bằng cách hạ thấp nồng độ bilirubin trong máu của trẻ sơ sinh. GE cũng đã cung cấp khoảng 4.800 Lullaby LET PT tại các quốc gia như Myanmar (1615+ đơn vị), Malaysia (740+ đơn vị), Thái Lan (645+ đơn vị), Indonesia (560+ đơn vị) và Philippines (hơn 360 đơn vị).
Ông Alok Nanda, Giám đốc điều hành Trung tâm Công nghệ GE Ấn Độ - GE Global Research & CTO GE Nam Á, cho biết: Trung tâm Công nghệ GE ở Ấn Độ luôn đi đầu trong việc thiết kế các giải pháp công nghệ tiên tiến đang định hình tương lai của thế giới theo hướng chính xác, hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn.
Giới thiệu về hệ thống năng lượng mặt trời do Trung tâm nghiên cứu GE (Ấn Độ) đã triển khai |
Hiện JFWTC cung cấp ba dịch vụ chính bao gồm thử nghiệm & đo lường, nghiên cứu và cấp phép. Trên cơ ở này trung tâm đã xây dựng các danh mục giải pháp toàn diện để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đầu cuối phục vụ người tiêu dùng. Theo đó, JFWTC tập trung vào 6 lĩnh vực gồm: Giải pháp vật liệu mới; Điện năng (tuabin khí, năng lượng tái tạo); Nhiệt học; Phân tích vật lý - kỹ thuật số; Công nghệ hình ảnh, nhận dạng; công nghệ điều khiển, tự động hoá.
Có thể nói, ở JFWTC Bangalore, các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu, sáng tạo không ngừng để đưa ra các sản phẩm mới, chất lượng tốt nhất, hiệu quả tối ưu nhất phục vụ cho cuộc sống con người dù để làm được việc này phải mất rất nhiều chi phí và thời gian từ việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo, tìm tòi vật liệu mới, thử nghiệm, kiểm tra nhiều lần (mỗi lần thử nghiệm các thông số được ghi chép tỉ mỉ) trước khi hoàn thành và thương mại hoá.
Trao đổi với chúng tôi, ông Wouter Van Wersch đã đánh giá cao thị trường hơn 600 triệu dân của Asean, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là thị trường mà GE đang hướng tới nhằm giúp giải quyết những thách thức và nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Tại Việt Nam, GE đã xây dựng nhà máy sản xuất quạt gió (Hải Phòng) để xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 nhân viên tại Việt Nam. GE cũng đã cung cấp nhiều thiết bị cho ngành năng lượng khí và y tế Việt Nam (EVN, Vinmec…), đồng thời góp phần thúc đẩy tiến trình số hoá nền kinh tế Việt Nam.
Nguồn: Báo Công thương