Bạn đang ở đây

Trung Quốc trả đũa cuộc chiến công nghệ của Mỹ

24/09/2020 09:54:19

Ngày 19/9, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra một cơ chế cho phép nước này trừng phạt các công ty nước ngoài, nâng cao vị thế trong cuộc chiến công nghệ với Mỹ, chỉ một ngày sau khi Washington có động thái hạn chế các ứng dụng phổ biến của Trung Quốc là TikTok và WeChat.

Theo đó, "Danh sách thực thể không đáng tin cậy" mà Trung Quốc đưa ra được coi là vũ khí để Bắc Kinh trả đũa Mỹ, vốn đã sử dụng "danh sách thực thể" của riêng mình để loại trừ gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei khỏi thị trường Mỹ, đồng thời chống lại TikTok và WeChat. Việc triển khai cơ chế này diễn ra chỉ một ngày sau khi Bộ Thương mại Mỹ tăng cường áp lực bằng cách ra lệnh cấm tải ứng dụng video TikTok và ngăn chặn hiệu quả việc sử dụng WeChat, siêu ứng dụng của Trung Quốc.

Thông báo ngày 19/9 của Bộ Thương mại Trung Quốc không đề cập đến bất kỳ thực thể nước ngoài cụ thể nào có thể bị nhắm mục tiêu. Nhưng cho biết hệ thống mới sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt đối với các thực thể có hoạt động "gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc" hoặc vi phạm "các quy tắc kinh tế và thương mại được quốc tế chấp nhận". Ngôn ngữ đó bám sát cách diễn đạt mà Bắc Kinh đã sử dụng để nhiều lần tố cáo các hành động của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc.

Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm phạt tiền đối với tổ chức nước ngoài, cấm tổ chức này tiến hành thương mại và đầu tư ở Trung Quốc, và hạn chế việc nhập cảnh của nhân viên hoặc thiết bị vào nước này. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết phạm vi của cơ chế trừng phạt mới bao gồm "các doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức và cá nhân khác".

Theo sắc lệnh của Mỹ ngày 18/9 chống lại các ứng dụng Trung Quốc, WeChat do Tencent sở hữu sẽ mất chức năng ở Mỹ kể từ ngày 20/9. Người dùng TikTok sẽ bị cấm cài đặt các bản cập nhật nhưng có thể tiếp tục truy cập dịch vụ cho đến hết ngày 12/11. Khung thời gian đó có khả năng cho phép sự ràng buộc giữa TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance của Trung Quốc và một công ty của Mỹ nhằm bảo vệ dữ liệu cho ứng dụng cực kỳ phổ biến nhằm xoa dịu những lo ngại về an ninh của Washington. Với việc Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với một chiến dịch tái tranh cử nhiều khó khăn, các quan chức Mỹ đã mô tả các biện pháp này là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia khỏi hoạt động gián điệp tiềm tàng của Trung Quốc thông qua các nền tảng ứng dụng.

Nhưng để đáp lại các bước đi của Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 19/9 đã gọi động thái của Mỹ là vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế và không có bằng chứng về bất kỳ mối đe dọa an ninh nào. Đồng thời tuyên bố Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc, mà không nêu rõ các biện pháp tiềm năng.

Một thời gian ngắn sau tuyên bố đó, Bộ Thương mại Trung Quốc đã công bố chế độ trừng phạt mới. Các nhà phê bình cho rằng, trong khi các rủi ro an ninh chưa rõ ràng, lệnh cấm sâu rộng làm dấy lên lo ngại về khả năng điều chỉnh quyền tự do ngôn luận của Chính phủ Mỹ. Một số nhà phân tích cho rằng động thái của Tông thống Trump được thúc đẩy bởi lý do cạnh tranh kinh doanh hơn là lo ngại về an ninh. Các động thái này sẽ vô hiệu hóa hiệu quả việc sử dụng WeChat của Mỹ - một siêu ứng dụng được sử dụng để nhắn tin, mua sắm, thanh toán và các dịch vụ khác - và TikTok khỏi các thị trường trực tuyến do Apple và Google điều hành.

Lệnh cấm của Mỹ đối với WeChat không ảnh hưởng đến dịch vụ của nó ở Trung Quốc, nơi ứng dụng được sử dụng rộng rãi hơn nhiều. Người dùng TikTok hiện tại sẽ có thể tiếp tục sử dụng ứng dụng này cho đến ngày 12/11 - khi cũng sẽ phải đối mặt với lệnh cấm hoàn toàn đối với các hoạt động tại Mỹ nếu không đạt được thỏa thuận nào. Những video ngắn gọn trên điện thoại của TikTok đã trở nên cực kỳ phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ, với 100 triệu người dùng chỉ riêng ở Mỹ. Động thái này làm gia tăng áp lực buộc ByteDance phải ký một thỏa thuận bán toàn bộ hoặc một phần TikTok để xoa dịu những lo ngại về an ninh của Mỹ. Một thỏa thuận tiềm năng sẽ cho phép gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon Oracle trở thành đối tác công nghệ của TikTok, nhưng một số nhà lập pháp Mỹ đã phản đối việc cho phép ByteDance giữ cổ phần. Tổng thống Trump cho biết hôm 18/9 rằng, một thỏa thuận như thế có thể xảy ra nhanh chóng.

Nguồn: Báo Công thương