Tổng cục Hải quan đang tích cực triển khai thực hiện Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm cải cách hơn nữa công tác kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Đề án này trước khi được Thủ tướng phê duyệt, được đánh giá khi triển khai sẽ tạo thuận lợi hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu, tiết kiệm được thời gian làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra an toàn thực phẩm, vì hải quan đóng vai trò đầu mối thực hiện kiểm tra, thủ tục sẽ được lồng ghép trong thủ tục hải quan điện tử hóa tối đa quy trình kiểm tra; giải quyết các thắc mắc khi có vấn đề phát sinh thuận lợi hơn do thống nhất về cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng trước khi thông quan; tiết kiệm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp (đối tượng được miễn kiểm tra được mở rộng hơn); góp phần tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh và bình đẳng hơn (do hàng nhập khẩu sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, minh bạch và khách quan hơn).
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, đang tích cực và nhanh chóng xúc tiến triển khai các giải pháp để thực hiện các yêu cầu, mục tiêu đề án đặt ra trong thực tiễn một cách hiệu quả nhất. Trong đó, sẽ khẩn trương xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng (KTCL) và kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu để cải cách KTCL, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu. Nâng cấp, bổ sung một số chức năng của hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện tự động xác định đối tượng hàng hóa thuộc hoặc không thuộc diện miễn kiểm tra; được áp dụng hoặc không được áp dụng phương thức kiểm tra giảm/kiểm tra thông thường. Kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động nhập khẩu thông tin hồ sơ KTCL, kiểm tra ATTP; tờ khai hải quan; kết quả đánh giá sự phù hợp; kết quả kiểm tra của các cơ chức năng; danh mục các mặt hàng phải KTCL, kiểm tra ATTP; thông tin liên quan đến vi phạm của doanh nghiệp trong quá trình hậu kiểm.
Đồng thời, công khai, minh bạch thông tin về chất lượng hàng hóa gồm: Danh mục các mặt hàng phải KTCL, kiểm tra ATTP; kết quả KTCL, kiểm tra ATTP; hàng hóa thuộc diện miễn kiểm tra; danh sách hàng hóa được áp dụng phương thức kiểm tra giảm/kiểm tra thông thường, xác định hàng hóa không đủ điều kiện để được áp dụng phương thức kiểm tra giảm/kiểm tra thông thường mà phải áp dụng phương thức kiểm tra chặt.
Hải quan là đầu mối duy nhất kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu. Ảnh minh họa |
Tích hợp hệ thống thông quan tự động hải quan với Cổng Thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, trong đó kế thừa phần thiết kế các chức năng xử lý dữ liệu thuộc hệ thống xử lý chuyên ngành và chuyển luồng dữ liệu từ Cổng thông tin một cửa quốc gia trực tiếp tới hệ thống thông quan hải quan, các hệ thống chuyên ngành tiếp tục chia sẻ thông tin hiện có và chia sẻ thêm thông tin thông quan từ phía cơ quan hải quan để phục vụ công tác quản lý nhà nước của các bộ quản lý ngành.
Nâng cấp Cổng Thông tin một cửa quốc gia, hệ thống thông quan tự động và hệ thống quản lý rủi ro để bổ sung các tính năng mới như: kết nối và chia sẻ hồ sơ, dữ liệu cho các bên liên quan; phân luồng kiểm tra chuyên ngành kết hợp với phân luồng kiểm tra hải quan; cung cấp các chỉ dẫn cho doanh nghiệp để thực hiện các công đoạn trong kiểm tra chuyên ngành kết hợp với kiểm tra hải quan...
Đồng thời, ngành hải quan cũng đang nỗ lực để chuẩn bị tốt nguồn lực để thực hiện KTCL, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng cơ cấu, tổ chức lại nhân lực của cơ quan hải quan cho phù hợp; phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực để đào tạo, hướng dẫn cho công chức hải quan có đủ chuyên môn thực hiện KTCL, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.
Tiến hành chuẩn hóa quy trình, thủ tục, trang bị bổ sung máy móc, thiết bị của cơ quan hải quan để đáp ứng yêu cầu KTCL hàng hóa, kiểm tra ATTP hàng hóa nhập khẩu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực; mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định như rà soát, chuẩn hóa năng lực, quy trình nghiệp vụ của các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định; tăng cường năng lực của các đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm định, phân tích, giám định... của cơ quan hải quan đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế đối với tổ chức chứng nhận sự phù hợp, được công nhận hoạt động, chỉ định để tham gia thực hiện chứng nhận/giám định hàng hóa.
Hoàn thiện cơ chế áp dụng quản lý rủi ro trong KTCL, kiểm tra ATTP bằng việc xây dựng, nâng cấp các chức năng của hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thu thập thông tin, phân tích, đánh giá rủi ro, đối với hàng hóa phải KTCL, kiểm tra ATTP.
Đề nghị các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực tăng cường và kịp thời cảnh báo tới cơ quan hải quan về hàng hóa có rủi ro, nguy cơ về chất lượng, ATTP để ngăn chặn, phòng ngừa ngay tại cửa khẩu. Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, trung tâm quản lý rủi ro liên ngành, thông tin về việc KTCL, kiểm tra ATTP trước thông quan sẽ được công khai minh bạch để các cơ quan kiểm tra thuộc bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện thanh tra, kiểm tra tại khâu lưu thông trên thị trường nội địa.