Chủ tịch UBND xã Hát Lừu - Lò Văn Chiến cho biết: thời gian qua, xã đã tập trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của XKLĐ cũng như tạo mọi điều kiện người dân làm các thủ tục xuất cảnh. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, xã đã có 9 lao động xuất khẩu (LĐXK) sang Hàn Quốc, nâng tổng số LĐXK của xã lên 40 lao động. Các lao động của xã khi đến nơi làm việc đều có việc làm, mức thu nhập ổn định như trong hợp đồng. Gia đình ông Hoàng Văn Sừa, thôn Lừu 1 là một ví dụ.
Ông có con trai là Hoàng Văn En LĐXK sang Hàn Quốc ngày 14/5/2018. Ông Sừa cho biết: con ông làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, công việc vừa sức, thu nhập ổn định. Điều kiện ăn ở rất đàng hoàng. Từ ngày con ông đi LĐXK đã gửi về 60 triệu đồng. Ông Lò Văn Văn ở thôn Lừu I cũng vậy, từ ngày con trai đi LĐXK, cuộc sống gia đình có sự thay đổi đáng kể.
Ông Văn chia sẻ: "Gia đình tôi vốn là hộ nghèo, nhưng từ ngày con đi LĐXK có tiền gửi về trang trải nên cuộc sống đã có nhiều thay đổi. Tôi đã sửa được nhà kiên cố hơn; xây được tường rào và mua sắm được nhiều vật dụng".
Hay gia đình bà Lò Thị Sươi kể từ khi con trai là Lò Văn Luân tham gia LĐXK tại Hàn Quốc nay đã thoát khỏi hộ nghèo. Với mức thu nhập ổn định từ 25 - 30 triệu đồng/người/tháng, các lao động của xã Hát Lừu đang dần làm thay đổi cuộc sống của gia đình nói riêng, diện mạo bản làng nói chung và tác động tích cực vào xây dựng nông thôn mới.
Ông Lò Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Hát Lừu khẳng định: từ nguồn thu nhập qua XKLĐ đã giúp xã hoàn thành một số tiêu chí khó như tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 11 về giảm tỷ lệ hộ nghèo.Giống như xã Hát Lừu, lao động của thị trấn Trạm Tấu khi tham gia XKLĐ cũng đều có việc làm, thu nhập ổn định.
Mới đây nhất là gia đình anh Triệu Quý Tuấn ở khu III có vợ LĐXK tại Hàn Quốc từ tháng 3 năm nay với công việc trồng, chăm sóc, thu hoạch rau củ, quả và mọi hoạt động được diễn ra trong nhà kính với thời gian lao động 8 tiếng/ngày; được tạo nơi ăn, chỗ ngủ nghỉ sinh hoạt ngay gần nơi làm việc; tiền công lao động hàng tháng là trên 30 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, mỗi tháng chị gửi về cho gia đình được từ 25 - 27 triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay thị trấn Trạm Tấu có 9 LĐXK; trong đó, cả 9 lao động đều làm việc tại Hàn Quốc. Tất cả số lao động này khi tham gia XKLĐ đều đi theo chương trình của Ban Chỉ đạo (BCĐ) XKLĐ huyện; vì thế, từ công việc đến mức thu nhập đều được đảm bảo như trong hợp đồng đã ký. LĐXK không chỉ đem lại thu nhập cao mà còn giải quyết việc làm cho lao động địa phương...
Xác định XKLĐ là một trong những hướng đi thiết thực để giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện, những năm qua, đặc biệt năm 2018 BCĐ XKLĐ huyện Trạm Tấu luôn đẩy mạnh tuyên truyền những lợi ích khi tham gia LĐXK.
Đồng thời, tăng cường tìm kiếm thị trường phù hợp với trình độ, tay nghề của người lao động; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động khi tham gia LĐXK; thực hiện nghiêm túc theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020.
Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, huyện Trạm Tấu đã có 33 LĐXK; trong đó, thị trường Hàn Quốc 24 người, Ả Rập Xê Út 9 người, đạt 132% kế hoạch và là năm đầu tiên huyện có số LĐXK đông nhất. Đây là dấu mốc quan trọng về sự thay đổi nếp nghĩ của người dân huyện Trạm Tấu đối với XKLĐ và là tín hiệu vui để huyện đẩy nhanh quá trình giảm bền vững.
Nguồn: Báo Yên Bái