Sau khi dịch Covid - 19 tái bùng phát, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã kích hoạt trở lại công tác phòng chống dịch, yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tuân thu nghiêm ngặt các quy định của ngành y tế trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp.
Cùng với Đà Nẵng, Quãng Ngãi, Quảng Nam, Đắc Lắk, đến lượt TP. Hồ Chí Minh xuất hiện bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Tại TP. Hồ Chí Minh, các bệnh nhân đã được gửi đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh để điều trị. Hiện TP. Hồ Chí Minh có hơn 15.000 người dân đi du lịch ở Đà Năng đang được theo dõi, kiểm soát y tế để phòng dịch lây lan.
Để phòng chống dịch Covid -19 hiệu quả, chiều 30/7, UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành công điện khẩn thông báo cấm người dân, du khách tụ tập quá 30 người ở nơi công cộng, đóng cửa quán bar, vũ trường và tất cả các nhà thờ thuộc Tổng giáo phận TP. Hồ Chí Minh ngưng các sinh hoạt mục vụ, thánh lễ chung từ ngày 31/7 cho đến khi có thông báo mới để phòng chống dịch Covid -19.
Trước yêu cầu của UBND TP. Hồ Chí Minh, các chủ doanh nghiệp kinh doanh quán bar, vũ trường đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo này .Tại các địa điểm thường tụ tập đông người trên địa bàn thành phố như nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, dù vẫn được phép kinh doanh nhưng đa số đều kích hoạt trở lại các giải pháp phòng chống dịch Covid - 19 và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của ngành y tế.
Tại thị trường TP. Hồ Chí Minh hàng hoá thiết yếu dồi dào, giá cả ổn định |
Dịch bệnh trở lại đã ảnh hưởng trực tiếp dến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố, dễ dàng nhận thấy nhất là các loại hình kinh doanh dịch vụ. Cụ thể, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh vừa có báo cáo gửi UBND TP. Hồ Chí Minh về các giải pháp ứng phó, phòng chống dịch Covid -19. Theo đó, hiện có hơn 31.000 chương trình du lịch bị hoãn, huỷ đã đăng ký trong tháng 7, 8 và 9/2020, nhất là các chương trình đi Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt, Hà Nội.
Đơn cử như Vietravel, tính ngày 26/7 đến 27/7/2020, đã có 20.970 chương trình bị hủy, doanh thu dự kiến 88,6 tỷ đồng; Saigontouist với hơn 10.000 chương trình du lịch, nghỉ dưỡng bị hủy; hơn 5.000 chương trình du lịch của các hãng lữ hành như Đất Việt, Bến Thành, Lữ hành Fiditour, Hòa Bình cũng bị ngưng phục vụ.
Trước tình thế khó khăn của các doanh nghiệp lữ hành, ngoài việc yêu cầu các đoan vị tuân thủ nghiêm ngăt các giải pháp phòng chống dịch Covid - 19, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đánh giá tình hình thiệt hại của các doanh nghiệp, đông thời đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong đó có giải pháp giãn thuế, giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, chậm nộp các loại thuế... Nghiên cứu các kịch bản kịp thời để chuẩn bị khôi phục du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch phục hồi.
Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, hiện tại mọi hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Để góp phần phòng chống dịch Cocvid - 19 đạt hiệu qủa, các doanh nghiệp bán lẻ đã tăng thêm nguồn cung hàng hoá để phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế.
Đại diện siêu thị Saigon Co.op cho biết, chuỗi siêu thị Co.opmart và Co.opXtra trên cả nước đang phối hợp với nhà cung cấp giảm giá các mặt hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu từ nay đến 5/8/2020. Ngoài tăng nguồn cung, Saigon Co.op còn thực hiện chương trình khuyến mại tặng kèm miễn phí khoảng 1 triệu sản phẩm. Cụ thể các siêu thị giảm đến 20% giá một số loại thịt gia súc, thủy hải sản; giảm 20% rau củ quả các loại; giảm 15% trái cây. Các mặt hàng hóa mỹ phẩm, vệ sinh nhà cửa giảm giá 43% và có nhiều quà tặng kèm.
Ông Đỗ Quốc Huy- Giám đốc Marketing Saigon Co.op - cho biết, ngay sau khi giãn cách xã hội chống dịch Covid-19 kết thúc, đơn vị đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp, lên kế hoạch nhập hàng hoá, thiết kế chương trình giảm giá. Các chương trình khuyến mại này cũng là hoạt động hưởng ứng Tháng khuyến mại tập trung quốc gia 2020 do Bộ Công Thương tổ chức, nhằm vực dậy ngành sản xuất trong nước sau dịch.
Khảo sát tại thị trường thành phố ngày 31/7, hoạt động mua bán vẫn diễn ra bình thường, không có tình trạng gom hàng tích trữ, sức mua và giá cả ổn định, trừ một vài mặt hàng thiết bị y tế.
Đại diện chợ Tân Phú, quận Tân Phú cho biết, mặc dù dịch bệnh đã được thông báo xẩy ra nhưng tâm lý người tiêu dùng không hoang mang, chỉ mua đủ số lượng hàng cần dùng. Tại chợ, một số mặt hàng cá, thịt, rau xanh có nhích giá hơn mấy ngày qua, nhưng đây là sự tăng giảm bình thường do nguồn cung từ các nơi giảm so với trước .
Tại khu vực quận 10, quận Tân Phú, quận Tân Bình, giá khẩu trang đã tăng hơn mấy ngày trước khoảng 10 - 30%, tuỳ địa bàn. Nhiều cửa hàng bán thuốc cho biết, giá khẩu trang y tế tăng là do các nhà sản xuất thông báo hết hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất, sản xuất không kịp để giao và không ngoại trừ khả năng găm hàng để tăng giá.
Nguồn: Báo Công thương