Ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, chương trình bình ổn thị trường năm 2019 - Tết Canh Tý năm 2020, TP. Hồ Chí Minh thực hiện trong 12 tháng, từ ngày 1/4/2019 đến 31/3/2020. Trong đó, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm 10 nhóm hàng như: lương thực, thực phẩm, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, rau, củ, quả, thủy hải sản… Lượng hàng bình ổn thị trường của các mặt hàng này trong các tháng chiếm từ 25 - 30%, các tháng Tết chiếm 30 - 40% nhu cầu thị trường.
Các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng thực hiện từ ngày 1/5 đến 31/10/2019 với 4 nhóm hàng chính gồm tập vở, cặp, ba lô, túi xách, đồng phục học sinh, giày. Lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35 - 50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trong năm học 2019 - 2020. Các mặt hàng sữa có 4 nhóm gồm sữa bột dành cho trẻ em; sữa bột cho bà mẹ mang thai; sữa bột chức năng, sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất; lượng sữa tham gia bình ổn thị trường 1.455,6 tấn/năm và 1,2 triệu lít sữa nước/năm.
Công ty Satrafood tham gia bán hàng bình ổn thị trường |
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng phòng Quản lý Thương mại Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn thị trường năm 2019 - Tết Canh Tý 2020 doanh thu ước đạt 34.300 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2018. Hiện tại, đã có 10.983 điểm bán hàng bình ổn, 1.500 chuyến bán hàng lưu động, nguồn vốn hỗ trợ cho chương trình 20.100 tỷ đồng.
Mặt hàng thịt lợn tuy bị tác động mạnh từ dịch tả lợn châu Phi nhưng ngành Công Thương thành phố vẫn bảo đảm nguồn hàng bình ổn thị trường là 4.091/tấn/tháng (chiếm 21% thị phần). Để nguồn thịt lợn được ổn định, Sở Công Thương đã thực hiện 5 nhóm giải pháp nhằm ứng phó và bảo đảm cân đối hàng hóa. Theo đó, theo dõi sát thị trường (thịt lợn và thực phẩm thay thế), triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, khuyến khích tăng đàn đối với trang trại kiểm soát dịch bệnh tốt và tổ chức xử lý các thông tin sai lệch về thị trường thịt lợn.
"Chương trình bình ổn thị trường của thành phố ngày càng được mở rộng, lượng hàng hóa tham gia dồi dào, mẫu mã đa dạng, chất lượng được nâng cao. Đặc biệt, hàng bình ổn đã làm tốt vai trò điều tiết giá hàng hóa trên thị trường và trở thành điểm đến tin cậy của người tiêu dùng", ông Phương nhận xét.
Chương trình hàng bình ổn thị trường năm nay có nhiều thành phần doanh nghiệp tham gia, các doanh nghiệp đầu tư nhiều vào khâu nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đa dạng hóa mặt hàng, sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu sản xuất, cung ứng đến phân phối. Trong đó, 100% sản phẩm trứng, thịt gia cầm; thịt heo, thịt bò, rau, củ, quả đều được truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Chẳng hạn, Saigon Co.op tham gia chương trình hàng bình ổn thị trường năm 2019 và Tết Canh Tý 2020 với 10 nhóm hàng, tổ chức thực hiện ứng vốn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vệ tinh để phát triển sản xuất, cung ứng hàng hóa, chủ động phát triển các sản phẩm đạt chuẩn organic và chuẩn VietGAP, góp phần định hướng tiêu dùng cho người dân.
Chương trình hàng bình ổn thị trường của TP. Hồ Chí Minh có sự đồng hành của 12 ngân hàng tham gia gói tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp 19.650 tỷ đồng với lãi suất ngắn hạn 5,5 - 7%/năm, trung và dài hạn 9 - 10%/năm. Nguồn: Báo Công thương |