Bạn đang ở đây

Tổng thống Putin tuyên bố Nga đã có vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới, con gái ông cũng đã được tiêm

12/08/2020 08:33:46

Thông báo được đưa ra vào sáng ngày 11/8 (giờ địa phương). Cuối cùng, thế giới đã có vaccine chống lại Covid-19.

Tổng thống Putin tuyên bố Nga đã có vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới, con gái ông cũng đã được tiêm

Tổng thống Putin tuyên bố Nga đã có vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới, con gái ông cũng đã được tiêm

 

Theo Moscow Times đưa tin ngày 11/8, Nga đã đăng ký vaccine phòng Covid-19 đầu tiên của thế giới theo thông báo của Tổng thống Vladimir Putin.

 

Viện Nghiên cứu Gamaleya thông báo từ cách đây 1 tuần rằng họ đã tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 với vaccine chống Covid-19, trên hàng ngàn tình nguyện viên. Bộ Y tế Nga cho biết họ sẽ bắt đầu tiến hành sản xuất vaccine hàng loạt trong tháng tới, và sẵn sàng đưa tới cho công chúng ngay trong tháng 10/2020.

 

"Sáng nay (giờ địa phương), lần đầu tiên trên thế giới, vaccine chống lại virus corona chủng mới đã được đăng ký," - ông Putin phát biểu.

 

"Tôi biết rằng nó có hiệu quả, và đủ để tạo ra hệ miễn dịch bền vững," - ông bổ sung thêm.

 

Công bố được đưa ra trong bối cảnh nhiều chuyên gia lo ngại về tính an toàn nếu đẩy nhanh quá trình điều chế vaccine mà không tuân theo các quy trình vốn có. Tuy nhiên, ngài Tổng thống cho biết vaccine của Nga đã trải qua mọi công đoạn thử nghiệm cần thiết.

 

Cũng theo lời Tổng thống Putin, một trong số những người con gái của ông (danh tính cụ thể chưa được xác nhận) đã được tiêm chủng loại vaccine mới này.

 

"Một trong những cô con gái của tôi đã được tiêm. Tôi nghĩ bằng cách nào đó, con bé cũng đã tham gia vào thí nghiệm lần này," - ông Putin cho biết. Tổng thống Nga cũng nói lời cảm ơn tới tất cả những người đã làm nên vaccine chống lại Covid-19 đầu tiên của nhân loại, nhấn mạnh rằng "đây là một bước đi quan trọng với thế giới".

 

Được biết, vaccine được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Gamaleya hợp tác cùng Bộ Quốc phòng Nga, vốn dự định được đăng ký vào ngày 12/8 theo lời Thứ trưởng Bộ Y tế Oleg Gridnev từ cuối thứ 6 tuần trước (7/8). Đây là loại vaccine vector - sử dụng một virus khác yếu hơn, mang theo các đoạn mã ADN cần thiết để kích hoạt phản ứng từ hệ miễn dịch. Loại virus được sử dụng trong vaccine là adenovirus - chủng gây cảm cúm thông thường.

 

Bên cạnh đó, Tổng thống Putin không quên giao nhiệm vụ cho chính phủ đảm bảo nguồn ngân quỹ phòng chống cúm và virus corona, sau khi vaccine được đăng ký. Ông cho biết, ít nhất 60% dân Nga phải được tiêm phòng cúm.

 

Các quan chức y tế Nga trước đó đã thông báo việc tiêm chủng hàng loạt có thể tiến hành ngay từ tháng 10 năm nay. Bộ trưởng Bộ Y tế Mikhail Murashko cho biết những người thuộc nhóm "rủi ro cao" - như công nhân viên y tế - sẽ được ưu tiên tiêm phòng ngay trong tháng 8.

 

Trong báo cáo trước đây về đợt thử nghiệm lâm sàng vaccine cuối cùng của Bộ Quốc phòng Nga, kết quả cho thấy khả năng miễn dịch trên tất cả tình nguyện viên. Thử nghiệm bắt đầu từ ngày 18/6, trên 38 người, tất cả đều có hiệu quả. Nhóm đầu tiên được phép ra về vào ngày 15/7, và nhóm 2 là vào ngày 20/7.

 

Trên thực tế, nhiều quốc gia đã đặt dấu hỏi về việc Nga làm mọi cách để có vaccine càng sớm càng tốt, đặc biệt là lo ngại về tính an toàn. Bác sĩ Anthony Fauci - chuyên gia dịch tễ hàng đầu Hoa Kỳ cách đây 1 tuần đã phát biểu: "Tôi mong rằng Trung Quốc và Nga sẽ thử nghiệm vaccine kỹ càng trước khi tiêm chủng rộng rãi cho công chúng".

 

Trong khi đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thì chấp nhận đề nghị của Nga, tình nguyện được tiêm đầu tiên để thể hiện thiện chí và sự tin tưởng. "Khi có vaccine, tôi sẽ để mình được tiêm trước công chúng. Hãy thử nghiệm trên tôi trước, hoàn toàn không có vấn đề," - ông Duterte phát biểu ngày 10/8.

 

Nga hiện tại đang đứng thứ 4 trong số các nước có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất trên thế giới, với gần 900.000 người mắc virus corona.

Nguồn: Báo Yên Bái