Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. |
Sau 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, chiều 14/5, tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên bế mạc Hội nghị. Trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
"Thưa các đồng chí Trung ương,
Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,
Sau 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, đoàn kết và trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Trung ương đã xem xét, quyết định Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Tiêu chuẩn, số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng; đồng thời cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng khác. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cao thông qua Nghị quyết Hội nghị. Sau đây, tôi xin thay mặt Bộ Chính trị phát biểu khái quát lại những kết quả chủ yếu của Hội nghị và nhấn mạnh thêm một số vấn đề để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Một là, về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII: Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với tinh thần coi cán bộ và công tác cán bộ là "cái gốc của mọi công việc," nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc và thống nhất cao với Báo cáo của Bộ Chính trị trình Hội nghị. Cụ thể là:
Về yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Trung ương nhấn mạnh: Những năm sắp tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tạo ra cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách để phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Tình hình đó đòi hỏi Đảng ta, hơn bao giờ hết, phải thật sự vững vàng, giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin cậy, yêu mến.
Là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiêu biểu về trí tuệ, có tầm nhìn chiến lược, có tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật; gắn bó mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới.
Trung ương nhất trí việc xác định tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ được quy định trong các nghị quyết của Đảng và đặc biệt chú trọng một số vấn đề sau:
- Có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia-dân tộc; có ý chí chiến đấu cao, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch, sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói đi đôi với làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động, làm việc có hiệu quả.
- Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ với công việc; dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước. Bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi; có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ.
- Có trí tuệ, tầm nhìn, có trình độ để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương; có năng lực cụ thể hoá và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới; qua thực tiễn thể hiện rõ là người có năng lực, sáng tạo, làm việc có hiệu quả, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công, lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; có ý thức, trách nhiệm và khả năng tham gia thảo luận, đóng góp vào các quyết định chung của Ban Chấp hành Trung ương; đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là những đồng chí thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; có tầm nhìn và tư duy chiến lược, có khả năng phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất những vấn đề mới một cách đúng đắn; có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, biết phát hiện và sử dụng người có đức có tài; là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, còn trong độ tuổi theo quy định và đủ sức khoẻ để đảm đương nhiệm vụ.
Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm sau: (1) Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. (2) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình. (3) Để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị. (4) Không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm. (5) Ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín thấp. (6) Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính. (7) Vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.
Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Tăng cường số lượng Uỷ viên Trung ương ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu; chú ý tăng thêm tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII cần có 3 độ tuổi (dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên). Trường hợp đặc biệt nào cần phải cơ cấu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị cân nhắc, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng.
Về phương pháp và quy trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Trung ương nhất trí cao với Báo cáo của Bộ Chính trị, trong đó có khâu giới thiệu của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương.
Việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nói chung phải trên cơ sở Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và kết quả giới thiệu tín nhiệm cao của Trung ương, nhất là đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước; gắn kết chặt chẽ với việc sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo các cơ quan đảng, nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội nhiệm kỳ tới.
Tiểu ban Nhân sự Đại hội và Bộ Chính trị cần chỉ đạo chặt chẽ để việc giới thiệu, lựa chọn nhân sự bảo đảm đúng quy định của Điều lệ Đảng, các quy định, quy chế của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bảo đảm vừa phát huy dân chủ, vừa tập trung thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đúng những chủ trương, biện pháp mà Trung ương đã quyết định.
Đặc biệt, các đồng chí Ủy viên Trung ương phải gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự công tâm, khách quan, trong sáng, chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng trong quá trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Kiên quyết chống các biểu hiện cơ hội, vận động cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...; cảnh giác với những âm mưu của các thế lực thù địch tìm cách phá hoại, chia rẽ, gây rối nội bộ ta.
Các trường hợp có đơn, thư tố cáo, khiếu nại hoặc phải xem xét về chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống... thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan kiểm tra, rà soát kỹ, kết luận rõ trước khi Bộ Chính trị xem xét, quyết định. Việc tổng hợp ý kiến của các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị... phải được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, khách quan, khoa học.
Hai là, về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ tới, Ban Chấp hành Trung ương ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan đã khẩn trương nghiên cứu, tổng kết, xây dựng Đề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đồng tình về cơ bản với những đề xuất nêu trong Tờ trình của Đảng đoàn Quốc hội, Hội nghị nhấn mạnh: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lần này tiếp tục được tổ chức vào cùng một ngày trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước mới được ban hành.
Để bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, cần phát huy cao độ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp uỷ đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; sự hưởng ứng, tích cực tham gia, phát huy đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân của cử tri cả nước.
Phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đúng tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu là ưu tiên hàng đầu, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Phấn đấu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và đạt tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành bầu cử, phải quán triệt thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và Nhà nước về bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; gắn kết quả nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Tiêu chuẩn người ứng cử, đề cử bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải căn cứ vào tiêu chuẩn được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, và tiêu chuẩn cán bộ được quy định trong các nghị quyết, quy định của Đảng.
Ngoài những tiêu chuẩn chung, người ứng cử làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách còn phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, lĩnh vực chuyên môn, vị trí công tác và độ tuổi theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức.
Riêng đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, cần đáp ứng yêu cầu cao về phẩm chất chính trị, nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng; am hiểu pháp luật và có năng lực xây dựng pháp luật; có trình độ chuyên môn sâu và kiến thức thực tiễn.
Trên cơ sở tổng kết, đúc rút kinh nghiệm việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các khóa gần đây và ý kiến đóng góp của Trung ương, nhất là về những hạn chế, khuyết điểm, cần có những điều chỉnh, bổ sung cụ thể, chặt chẽ các quy định về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách tổ chức bầu cử; quy trình đề cử, ứng cử; việc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội do Trung ương giới thiệu; việc thẩm định hồ sơ người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; việc tuyên truyền, vận động bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Đối với các trường hợp tự ứng cử, cũng phải có quy trình thật chặt chẽ, đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Quy định rõ việc gì được làm, việc gì không được làm trong vận động bầu cử; tránh tình trạng "vận động" không lành mạnh.
Căn cứ vào Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần này, Bộ Chính trị sẽ ban hành Chỉ thị; chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội khẩn trương hoàn chỉnh Đề án trình Quốc hội xem xét, quyết định để tổ chức thực hiện, bảo đảm chuẩn bị và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Ba là, về việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng: Với kinh nghiệm thực tiễn tổ chức đại hội đảng ở các cấp, các đồng chí Ủy viên Trung ương đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng.
Trung ương nhất trí cao với những nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu và dự kiến số lượng phân bổ đại biểu đối với các đảng bộ trực thuộc Trung ương và giao cho Bộ Chính trị quyết định cụ thể việc phân bổ đại biểu. Các đảng bộ trực thuộc cần thực hiện nghiêm túc các quyết định của Trung ương, lựa chọn được các đại biểu thực sự xứng đáng, tiêu biểu, đại diện cho đảng bộ của mình đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bốn là, về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019: Ban Chấp hành Trung ương tán thành Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019; đánh giá cao công tác chuẩn bị, quá trình tiến hành và kết quả kiểm điểm; cho rằng việc kiểm điểm đã được tiến hành nghiêm túc, cầu thị, đúng nguyên tắc.
Trung ương khẳng định, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là một tập thể lãnh đạo đoàn kết, thống nhất cao về chính trị, tư tưởng; kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, bảo đảm sự lãnh đạo tập thể, đồng thời phát huy được vai trò cá nhân trong phạm vi công tác được phân công. Sinh hoạt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư dân chủ, thẳng thắn, giữ vững nguyên tắc, chế độ làm việc, chân thành và cầu thị.
Năm 2019, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường, đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã luôn bám sát các quan điểm, đường lối nêu trong Cương lĩnh, Chiến lược, Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng và tình hình thực tiễn để kịp thời có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực về đối nội và đối ngoại.
Đồng thời, Trung ương cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo; hoan nghênh việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Trung ương về những việc còn chưa làm được.
Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp thu ý kiến góp ý xác đáng của Trung ương để có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của năm 2020 và những năm sắp tới.
Năm là, về công tác nhân sự: Thực hiện Kế hoạch số 11-KH/TW, ngày 06/11/2018 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành ghi phiếu giới thiệu nhân sự quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII theo đúng quy định của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung 2 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII.
Cũng tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thưa các đồng chí,
Từ đầu năm đến nay, đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, để lại hậu quả rất nghiêm trọng đối với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta.
Nhờ có sự lãnh đạo nhạy bén, đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, chúng ta đã khống chế, cơ bản kiểm soát, ngăn chặn được sự lây lan trong cộng đồng, hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do đại dịch gây ra, đem lại niềm vui, niềm tin, niềm tự hào cho nhân dân cả nước, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Ban Chấp hành Trung ương nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và cảm ơn sâu sắc toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương.
Việc chúng ta ngăn chặn và kiểm soát được đại dịch là một minh chứng hùng hồn khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của hệ thống chính trị ở nước ta, khẳng định truyền thống đoàn kết, lòng yêu nước, tình nhân ái và ý chí kiên cường của dân tộc ta, nhân dân ta; càng trong khó khăn, thử thách, bản chất và truyền thống đó càng được nhân lên gấp bội.
Tuy nhiên, chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn vì trước mắt nhiệm vụ còn rất khó khăn, nặng nề, tình hình còn diễn biến phức tạp, khó lường. Một mặt, chúng ta phải tiếp tục theo dõi, nắm chắc diễn biến phức tạp của đại dịch để có những giải pháp ứng phó kịp thời, phải nhanh chóng khắc phục hậu quả của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm, đời sống của nhân dân.
Mặt khác, phải tập trung tháo gỡ khó khăn, tìm ra những giải pháp hữu hiệu để tập trung hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2020.
Đề nghị các đồng chí Ủy viên Trung ương hãy nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XII, các nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần này. Đặc biệt là chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị và tiến hành thật tốt đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Chúc các đồng chí mạnh khỏe, hoàn thành tốt trọng trách trước Đảng, trước nhân dân và đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn.."
Nguồn: Báo Yên Bái