Bạn đang ở đây

Tiết kiệm toàn cầu tăng: Bùng nổ chi tiêu sau Covid-19?

28/04/2021 08:26:28

Người tiêu dùng trên khắp thế giới đã tích trữ thêm 5,4 nghìn tỷ USD tiết kiệm kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu và ngày càng tin tưởng vào triển vọng kinh tế, mở đường cho sự phục hồi mạnh mẽ trong chi tiêu, khi các doanh nghiệp mở cửa trở lại.

Cải thiện niềm tin người tiêu dùng toàn cầu

Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics cho biết, sự kết hợp giữa việc giải phóng nhu cầu bị dồn nén đáng kể và tiết kiệm quá mức sẽ thúc đẩy sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng trên toàn cầu khi các quốc gia tiếp cận khả năng miễn dịch cộng đồng và cởi mở hơn.

Tiết kiệm toàn cầu tăng: Bùng nổ chi tiêu sau Covid-19?

Tiết kiệm hộ gia đình và tiền gửi tăng nhanh chóng ở nhiều quốc gia

Theo ước tính của Moody’s, nếu người tiêu dùng chi tiêu khoảng một phần ba số tiền tiết kiệm vượt mức, họ sẽ thúc đẩy sản lượng toàn cầu tăng hơn 2 điểm phần trăm trong cả năm nay và năm tới. Bất chấp nền kinh tế toàn cầu năm ngoái bị sụt giảm sản lượng lớn nhất trong lịch sử hiện đại, thu nhập hộ gia đình phần lớn đã được bảo vệ bởi các chương trình kích thích chưa từng có của các chính phủ ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến. Người tiêu dùng cũng giảm chi tiêu khi đối mặt với sự không chắc chắn về việc làm và thu nhập, và do nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ đã đóng cửa hoặc bị hạn chế.

Kết quả là vào năm 2020, theo số liệu của OECD, tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình ở nhiều nền kinh tế tiên tiến đã đạt mức cao nhất trong thế kỷ này, và tiền gửi ngân hàng tăng nhanh chóng ở nhiều quốc gia. Các nhà kinh tế cho biết, tiết kiệm vượt mức cao nhất ở các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Bắc Mỹ và châu Âu, nơi các biện pháp phong tỏa được thực hiện rộng rãi.

Chỉ riêng ở Mỹ, các hộ gia đình đã tích lũy thêm được hơn 2 nghìn tỷ USD tiền tiết kiệm, trước khi khoản tiền khổng lồ từ chương trình kích thích trị giá 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden được chuyển. Ở các quốc gia Trung Đông, nơi mà sự hỗ trợ của chính phủ khá hào phóng cũng có mức tiết kiệm vượt mức đáng kể; trong khi ở châu Á, mức tiết kiệm vượt mức tích lũy thấp hơn các khu vực khác. Ở Nam Mỹ và Đông Âu, tiết kiệm thấp hơn do hậu quả của đại dịch và sự hỗ trợ của chính phủ ít hơn. Tuy nhiên, tác động của đại dịch không giống nhau và phần lớn các hộ gia đình giàu hơn ở tất cả các vùng đều tích lũy được khoản tiết kiệm.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Morning Consult cho thấy, sự cải thiện tổng thể ổn định từ tháng 1 đến tháng 4/2021 trên 15 nền kinh tế lớn, nhưng một phần lớn các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn cho biết, điều kiện tài chính của họ đã tồi tệ hơn so với một năm trước. Hơn một phần ba số hộ gia đình giàu hơn ở nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Úc, Ý, Nga và Mỹ cho biết, đây là thời điểm tốt để mua sắm lớn, nhưng đó không phải là trường hợp của các hộ gia đình nghèo hơn. Jan Hatzius, nhà kinh tế học tại Goldman Sachs ước tính rằng, gần 2/3 số tiền tiết kiệm dư thừa của Mỹ do 40% dân số giàu nhất nắm giữ và cho rằng điều này có thể kìm hãm quy mô thúc đẩy kinh tế vì “các hộ gia đình có thu nhập cao sẽ giữ tiền hơn là chi tiêu phần lớn các khoản tiết kiệm dư thừa”. Còn Adam Slater, nhà kinh tế hàng đầu tại Oxford Economics cho rằng, nếu các khoản tiết kiệm vượt mức hầu hết được các hộ gia đình giàu có nắm giữ và những khoản này được coi là sự gia tăng của cải hơn là một khoản bổ sung thu nhập, thì có thể dự đoán mức chi tiêu bổ sung thấp hơn nhiều.

Tiết kiệm toàn cầu tăng: Bùng nổ chi tiêu sau Covid-19?

Kỳ vọng vào một đợt chi tiêu, mua sắm lớn khi dịch bệnh đã được kiểm soát hoàn toàn

Theo Ngân hàng Trung ương Anh, gần 3/4 số hộ gia đình ở Anh cho biết, họ sẽ tiếp tục giữ số tiền tiết kiệm tăng lên trong tài khoản ngân hàng. Những người khác dự định sử dụng tiền tiết kiệm để trả nợ, đầu tư hoặc nạp vào lương hưu của họ. Điều này phù hợp với kết quả của Conference Board, cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng tăng tiết kiệm và đầu tư vào cổ phiếu trong quý I năm 2021 tăng hai con số so với cùng kỳ năm ngoái.

“Nhiên liệu” phục hồi kinh tế

Những khoản tiết kiệm như vậy sẽ cung cấp “nhiên liệu” cho các nền kinh tế phục hồi sau khi Covid-19 được kiểm soát và việc vắc-xin được triển khai mạnh mẽ. Những người lạc quan đang đặt cược vào một đợt chi tiêu, mua sắm lớn khi các nhà bán lẻ, nhà hàng, địa điểm vui chơi giải trí, các điểm du lịch hấp dẫn và các sự kiện thể thao mở cửa hoàn toàn trở lại. Những người ít lạc quan hơn thì thắc mắc liệu số tiền này sẽ được dùng để trang trải các khoản nợ hay được tích trữ cho đến khi cuộc khủng hoảng sức khỏe qua đi và thị trường lao động trở nên mạnh hơn. Ở Mỹ, việc cắt giảm tất cả số tiền tiết kiệm được trong năm qua sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên tới 9% thay vì 4,6% hiện được dự báo cho GDP năm 2021. Ngược lại, nếu các khoản tiết kiệm không sử dụng hết, nền kinh tế có thể sẽ chỉ tăng trưởng 2,2%.

Các hộ gia đình Trung Quốc đã đổ thêm 2,8 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 430 tỷ USD) vào tài khoản ngân hàng so với mức bình thường. Các khoản tiền gửi tương tự đã tăng 32,6 nghìn tỷ Yên (300 tỷ USD) ở Nhật Bản và 117 tỷ bảng Anh (160 tỷ USD) ở Anh. Những người ở các nền kinh tế khu vực đồng Euro lớn nhất đã tăng tổng cộng 387 tỷ Euro (465 tỷ USD), dẫn đầu là Đức 142 tỷ euro. Một yếu tố có thể làm tăng khả năng chi tiêu là lãi suất thấp làm giảm sự hấp dẫn của việc giữ tiền trong ngân hàng. Trong trung hạn, cho dù số tiền bổ sung được dùng để tiêu dùng, trả bớt nợ hay thậm chí ở lại ngân hàng thì điều đó đều tích cực cho sự tăng trưởng.

Tiết kiệm vượt mức cao nhất ở các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Bắc Mỹ và châu Âu, nơi các biện pháp phong tỏa được thực hiện rộng rãi.

Nguồn: Báo Công thương