Nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu
Thông tin đưa ra tại Hội thảo Thông tin thị trường “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc” do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức mới đây cho thấy, 5 năm gần đây, quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng ổn định với kim ngạch 2 chiều tăng trung bình trên 20%/năm. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, đến hết tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 97,25 tỷ USD, tăng 16,07% so với cùng kỳ năm 2017.
Nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc cần chú trọng quy định kiểm dịch |
Theo ông Nguyễn Hữu Quân - Phó Trưởng phòng Đông Bắc Á, Nam Thái Bình Dương - Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Việt Nam và Trung Quốc có nhiều thuận lợi trong giao thương hàng hóa. Theo các cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc, ngay từ năm 2011, 95% số dòng thuế nhập khẩu vào Trung Quốc đã được xóa bỏ. Theo lộ trình, năm 2018 là năm cuối để số dòng thuế còn lại được cắt giảm về 5% - 50%. Hiện thuế suất trung bình của biểu thuế Trung Quốc dành cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam giai đoạn 2015-2017 là 0,73%/năm và năm 2018 là 0,56%/năm.
TS. Đào Việt Anh – Tham tán thương mại - Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết: Nhiều nông sản của Việt Nam có chất lượng tốt, được thị trường Trung Quốc đón nhận. Hơn nữa, do là nước láng giềng, việc vận chuyển hàng hóa rất thuận lợi, giúp doanh nghiệp tiết kiệm khá nhiều chi phí logistics.
Ông Đào Việt Anh cũng cho biết, thị trường Trung Quốc hiện đang có nhu cầu lớn về một số mặt hàng, đây lại là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Cụ thể, về hoa quả nhiệt đới, hiện mới có 8 chủng loại hoa quả của Việt Nam được nhập khẩu vào Trung Quốc, gồm: Thanh long, dưa hấu, vải thiều, nhãn, xoài, chôm chôm, chuối, mít. Hiện Chính phủ Việt Nam đang đàm phán để đưa thêm một số nông sản khác như: Na, chanh leo, bưởi, măng cụt và quả roi vào thị trường này. Quảng Tây và Vân Nam là các địa phương sẽ nhập khẩu chủ yếu các loại hoa quả nhiệt đới của Việt Nam trong thời gian tới. Cùng đó, khu vực miền Đông, Tây Nam, phía Bắc và Đông Bắc của Trung Quốc tập trung nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp và săm lốp ô tô, do đó cao su là mặt hàng “hot” cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác tại các khu vực này.
Chú trọng yếu tố chất lượng
Lâu nay, Trung Quốc vẫn tạo ấn tượng là thị trường dễ tính cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Tuy nhiên thực tế hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc đã tăng cao, nhất là về chất lượng sản phẩm. Chính phủ Trung Quốc cũng đã ban hành nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định về kiểm dịch hàng hóa. Riêng sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho các lô hàng.
Theo đó, ông Đào Việt Anh khuyến cáo, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc đầu tiên là phải tìm hiểu kỹ về quy định kiểm dịch hàng hóa, nhất là quy định về mặt hàng sẽ xuất khẩu. Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp đầy đủ thông tin về các quy định, tiêu chuẩn trên các website của cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp có thể tự tìm hiểu hoặc thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Trung Quốc.
Cùng đó trong sản xuất, doanh nghiệp cần áp dụng các quy trình sản xuất tốt (GAPs, GAHPs, GAqPs), hài hòa với các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường. Tiêu chuẩn hóa quy trình trồng trọt bảo đảm an toàn thực phẩm và nguyên liệu cho chế biến. Thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm từ kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát các công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
“Đặc biệt, doanh nghiệp cần xác minh uy tín của đối tác, ký hợp đồng dài hạn, không giao dịch manh mún để tránh gặp rủi ro khi xuất khẩu hàng vào Trung Quốc”, ông Đào Việt Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, doanh nghiệp tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại Trung Quốc, nhất là các hội chợ lớn để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác uy tín, đồng thời trưng bày, quảng bá sản phẩm.
TS Đào Việt Anh – Tham tán thương mại - Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc: Năm 2018, Chính phủ Trung Quốc đã áp thuế 50% với gạo lứt của Việt Nam, trong thời gian tới cơ quan thương vụ sẽ tiếp tục theo dõi phản ứng của thị trường để có cơ sở trao đổi với phía Trung Quốc tháo gỡ vấn đề này cho doanh nghiệp. Nguồn: Báo Công thương |