Bạn đang ở đây

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Xu thế tất yếu

04/01/2021 09:39:11

Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới đang trở thành yếu tố cốt lõi và là xu thế tất yếu của kinh tế toàn cầu; là kênh hữu hiệu, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp (DN), trong đó có DN vừa và nhỏ xuất khẩu ra thị trường thế giới. Đặc biệt, trong năm 2020, tác động của dịch Covid-19 đã đưa TMĐT xuyên biên giới của Việt Nam lên một tầm cao mới.

Động lực thúc đẩy

Thích ứng với xu hướng chung của thế giới, trong những năm gần đây, TMĐT tại Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc với mức tăng trưởng cao 2 con số. Đặc biệt năm 2020, tác động của dịch bệnh đã đưa thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam lên một tầm cao mới và trở thành một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới với tốc độ 35% mỗi năm, thậm chí gấp 2,5 lần so với Nhật Bản.

Đặc biệt, với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mở ra cánh cửa mới và tạo động lực cho sự phát triển của cả nền kinh tế đất nước nói chung và các DN xuất khẩu nói riêng. Các DN cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua TMĐT. Theo Bộ Công Thương, hiện nay có khoảng 32% DN Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến.

Theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐT xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho DN nâng cao doanh số bán hàng mà qua đó còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thống kê cho thấy, giai đoạn 2014-2020, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam đạt trung bình trên 30%/năm. Dự kiến, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam sẽ đạt 33 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ ba Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan.

“Qua nền tảng TMĐT, DN có thể nhanh chóng tiếp cận khách hàng ở khối thị trường lớn, khó tính như: Bắc Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Tuy nhiên, để đẩy mạnh bán hàng, DN cần hiểu rõ sàn thương mại đã lựa chọn”- ông Đặng Hoàng Hải nhìn nhận.

Đồng tình quan điểm trên, ông Trần Xuân Thủy- Giám đốc quốc gia Amazon Global Selling Việt Nam - cho rằng, TMĐT đang phát triển rất mạnh mẽ. Theo báo cáo mới nhất, dự báo doanh thu TMĐT sẽ đạt khoảng 3.300 tỷ USD vào năm 2020 thay vì dự tính trước đây là năm 2022. “Tốc độ tăng trưởng TMĐT xuyên biên giới sẽ vượt qua tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh tại điểm bán” - ông Trần Xuân Thủy dự báo.

Khảo sát trên 4.000 DN của Cục TMĐT và Kinh tế số gần đây cho thấy, có đến 99% DN kết nối internet và các thị trường nhập khẩu chính từ Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong số trên 800 DN xuất khẩu được khảo sát có đến 70% DN là DN nhỏ và vừa, 30% là DN lớn. Số DN lớn có ứng dụng website và sàn giao dịch điện tử là 54%, trong khi tỷ lệ này ở DN nhỏ và vừa là 36%. Tuy tỷ lệ DN tham gia còn khiêm tốn song hiệu quả các DN thu được không hề nhỏ khi có đến 42% DN cho biết tổng giá trị đơn hàng trực tuyến trên tổng doanh thu xuất khẩu là 50%.

 
TMĐT xuyên biên giới tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng

Tạo đòn bẩy cho TMĐT xuyên biên giới

Đề cập đến những cơ hội phát triển TMĐT xuyên biên giới, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, TMĐT xuyên biên giới là xu hướng tất yếu trên quy mô toàn cầu. Với tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu gần 200 tỷ USD, các DN Việt Nam cần nắm lấy cơ hội này sẽ mang lại hiệu quả cao.

Ông Trần Thanh Hải lưu ý, Việt Nam đang trong quá trình tích cực hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, bên cạnh những cơ hội do hội nhập mang lại, các DN cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ quốc tế. “Một trong các giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh của DN chính là thúc đẩy phát triển TMĐT xuyên biên giới để tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam” - ông Trần Thanh Hải chỉ rõ.

Mặc dù TMĐT xuyên biên giới đã tạo ra hàng tỷ USD cho hoạt động kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, tuy nhiên việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mới mẻ này cũng còn gặp nhiều hạn chế, rủi ro, đây trở thành rào cản khiến DN và người tiêu dùng Việt còn dè dặt khi tham gia.

Theo phân tích từ các chuyên gia, việc quản lý chất lượng và nguồn gốc xuất xứ qua TMĐT xuyên biên giới không hề đơn giản bởi những sản phẩm có giá trị thấp, không đủ chứng từ để chứng minh nguồn gốc, chất lượng gây khó khăn cho hoạt động thông quan.

Vì thế, mỗi quốc gia lại đưa ra một chế tài quản lý hàng hóa theo cách riêng nhưng vẫn có điểm chung theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm thời gian lưu kho, kiểm tra sản phẩm và khối lượng hàng hóa phải kiểm tra cũng như đơn giản hóa quy trình đặt hàng, giao dịch hay thanh toán.

Về vấn đề pháp lý, ông Đặng Hoàng Hải cho rằng, việc xây dựng khung khổ pháp lý cho hoạt động xuyên biên giới là không hề dễ, ngay cả với những nước có hệ thống pháp luật tân tiến. “Chính vì vậy, Bộ Công Thương đang thay đổi cách tiếp cận theo hướng không tham vọng có thể tạo ra được khung khổ pháp lý cho tất cả các loại hàng hóa, thương mại nói chung sẽ bắt đầu từ những mặt hàng cụ thể đang có lợi thế, sau đó điều chỉnh dần dần cho phù hợp với thị trường. Với cách tiếp cận này sẽ mở ra con đường mới cho TMĐT xuyên biên giới và ứng dụng vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa”- ông Đặng Hoàng Hải nêu rõ. nTheo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số tạo đòn bẩy thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới phát triển hơn, mở rộng thị trường với mô hình xuất khẩu linh hoạt cũng như tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn.

Nguồn: Báo Công thương