Bạn đang ở đây

Thương mại điện tử xếp thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng

04/01/2023 07:50:24

Hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Top 5 thế giới về tăng trưởng

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương, năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Ước tính có khoảng 57 triệu đến 60 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm bình quân đầu người 260-285 USD.

Thương mại điện tử xếp thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng

Để tạo ra sự phát triển đột phá này, trong năm 2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử nổi bật như: Hội nghị kết nối thương mại điện tử tại Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Hội nghị thương mại điện tử OCOP tại Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Hội nghị kết nối cung cầu và thương mại điện tử tại Thái Bình, Hội nghị kết nối thương mại điện tử và định hướng tiêu dùng tại Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hoá trên thương mại điện tử và tạo thói quen mua sắm qua thương mại điện tử đối với người tiêu dùng.

Bộ cũng tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác là Sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh xuất khẩu. Thông qua những chương trình này, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam (nông sản thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng) sẽ có thể xuất khẩu trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới theo các kênh TMĐT B2B, B2B2C.

Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử cũng được Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh như: Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc kiểm tra, xử lý thông tin hợp đồng điện tử trong thương mại; Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday 2022 đã tiếp cận hàng chục triệu người tiêu dùng; Chương trình Go Online cung cấp các giải pháp giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, thúc đẩy việc bán hàng đa kênh…

Đánh giá về hoạt động chuyển đổi số và thương mại điện tử trong năm qua, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số- cho biết, với sự phối hợp giữa Bộ Công Thương cùng nhiều bộ, ngành, địa phương và các đối tác, doanh nghiệp thương mại điện tử, nhiều chương trình và giải pháp đồng bộ đã được triển khai, mang đến tín hiệu tích cực trong việc hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm Việt, nông sản địa phương trên môi trường trực tuyến; khai thác tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vững vàng phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Sớm có chiến lược về nhân lực tương xứng

Hiện, Việt Nam có gần 75% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến. Cùng với đó, gần 64% doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân sự được đào tạo về công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Điều này đòi hỏi nhu cầu nhân lực lớn đáp ứng cho phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện chỉ có 30% nhân lực tại các công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử hiện nay được đào tạo chính quy. Như vậy có tới 70% nhân sự thương mại điện tử ở những đơn vị này được tuyển dụng từ những chuyên ngành đào tạo khác.

Thương mại điện tử xếp thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng

Theo đó, để giải quyết bài toán nguồn nhân lực tương xứng với quy mô tăng trưởng, các doanh nghiệp cần có chiến lược đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này theo cả hình thức chính quy và không chính quy.

Thực tế, nhu cầu tuyển sinh ngành thương mại điện tử và các ngành liên quan như: Logistics, tiếp thị số tăng nhanh. Nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho thương mại điện tử, thời gian qua nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã tích cực 4 triển khai hoạt động này với tốc độ mở ngành, chuyên ngành gia tăng. Tới nay đã có 36 trường đào tạo ngành, gần 40 trường đào tạo chuyên ngành và khoảng 60 trường đào tạo học phần thương mại điện tử. Ông Đoàn Quốc Tâm - đại diện Hiệp hội thương mại điện tử (VECOM) - cho biết, trước sự thiếu hụt trầm trọng về số lượng và yếu về chất lượng nguồn nhân lực thương mại điện tử, hàng năm, hiệp hội đã phối hợp giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh xây dựng chương trình phát triển thương mại điện tử bền vững nhằm góp phần cung cấp lực lượng chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu cho phát triển thương mại điện tử.

Để cải thiện cả về chất và lượng nhân lực thương mại điện tử, ông Nguyễn Bình Minh - Giảng viên trường Đại học Thương mại - cho rằng, việc liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là chìa khóa để nâng cao chất lượng nhân lực thương mại điện tử. Hiện Trường Đại học thương mại cũng đã có nhiều chương trình đổi mới gắn đào tạo với thực tiễn. Bên cạnh đó, việc hợp tác chia sẻ kinh nghiệm đào tạo giữa các trường, hiệp hội cũng như các bộ, ngành là cách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nguồn: Báo Công Thương

Tin liên quan