Từ doanh thu 3.000 USD cho đơn hàng xuất khẩu đầu tiên qua sàn thương mại điện tử (TMĐT), nhưng sau một năm con số này tăng lên 260.000 USD. Bà Trần Thị Yến Phi - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW - Doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản chế biến- đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh những kết quả mà doanh nghiệp này đạt được.
Bà đánh giá như thế nào về hiệu quả khi tham gia bán hàng qua sàn thương mại điện tử?
Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2019, chuyên về xuất khẩu các sản phẩm nông sản chế biến sây khô hoặc đông lạnh như thanh long, xoài, chanh dây, sầu riêng, nước táo... Các sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) đi theo con đường chính ngạch vào các thị trường khó tính với những tiêu chuẩn cao về chất lượng như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Singapore, Malaysia...
Bà Trần Thị Yến Phi - Giám đốc điều hành Công ty DSW tại Hội nghị Quốc tế Xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng TMĐT Alibaba.com lần thứ hai vừa qua. |
Với thị trường Trung Quốc, DN cũng tập trung phát triển xuất khẩu rất nhiều nhưng đi bằng chính ngạch chứ không qua tiểu ngạch. Vì thế các sản phẩm cũng phảm đảm bảo chất lượng, truy suất nguồn gốc, mã vùng trồng, mã xuất khẩu của hải quan Trung Quốc.
Ngay từ đầu DSW đã xác định phương thức kinh doanh chủ lực là bán hàng online dù biết rằng với hình thức kinh doanh mới mẻ này cũng có không ít khó khăn từ nhiều phía nhất là chọn các sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường, lựa chọn các thị trường xuất khẩu mục tiêu... Song với với sự kiên trì, tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu thị trường, xu thế kinh doanh mới nhất là trong giai đoạn dịch bệnh đã giúp DWS tăng trưởng khá nhanh và ổn định.
Xác định bán hàng qua sàn TMĐT, DN gặp phải những khó khăn, thuận lợi ra sao thưa bà?
Khi tham gia vào sáng kiến “Kinh doanh xuyên biên giới” của Alibaba.com, DSW được hỗ trợ về phương pháp nắm bắt nhu cầu thị trường, thay đổi tư duy marketing cho sản phẩm, đặc biệt kênh tìm kiếm khách hàng của Alibaba.com không hạn chế một thị trường hay một quốc gia nào. Vì thế, chỉ sau một năm, doanh thu của DSW từ 3.000 USD đơn hàng đầu tiên đã đạt được 260.000 USD ngay trong mùa dịch và mục tiêu năm 2022 của DN đạt 3,5 triệu USD kim ngạch xuất khẩu. DSW cũng đặt mục tiêu tiếp tục thâm nhập vào thị trường EU và đã thành công với những đơn hàng lớn, được khách hàng đánh giá cao.
DSW đặt mục tiêu đạt 3,5 triệu USD kim ngạch xuất khẩu năm nay và tiếp tục thâm nhập vào thị trường EU |
Cũng cần phải nhấn mạnh thêm việc tham gia hệ sinh thái TMĐT của Alibaba.com còn giúp DN học hỏi được nhiều bài học thực tế từ các nhà bán hàng khác như các phương thức thanh toán đa phương tiện, cách thức để livestream, nắm bắt nhu cầu thay đổi liên tục của người tiêu dùng nhưng vẫn tập trung vào thị trường mục tiêu và luôn lấy chất lượng sản phẩm đặt lên hàng đầu. Đây cũng chính là mấu chốt kinh doanh thành công của các DN bán hàng qua sàn TMĐT.
Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm khi tham gia xuất khẩu hàng hóa qua sàn TMĐT, nhất là mặt hàng nông sản?
Có thể thấy, đến nay sau 3 năm vận hành gian hàng của DN trên sàn TMĐT đã mang lại lợi ích rất lớn cho DN trong việc tăng trưởng xuất khẩu, tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Vượt qua những khó khăn đầu tiên chỉ sau một thời gian ngắn DN đã thấy được hiệu quả rất lớn.
Nền tảng TMĐT thật sự cũng chỉ là một phần mềm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhưng để cho có hiệu quả thì người trực tiếp vận hành gian hàng đó phải có tư duy, chiến lược và thành công hay không là dựa vào người trực tiếp quản lý. Người điều hành gian hàng trên sàn TMĐT phải có tư duy rất nhạy về sản phẩm, thị trường, có kiến thức về thương mại quốc tế.
Đơn cử như năm 2019, DN đặt mục tiêu xuất khẩu mạnh vào thị trường EU nhưng sau đó phải chuyển hướng sang thị trường gần là châu Á, đặc biệt là khu vực thị trường các nước ASEAN, bởi từ năm 2020 đến nay, cước vận tải biển, dịch vụ logistic biến động tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến giá thành xuất khẩu. Khi xuất khẩu vào thị trường gần sẽ tiết kiệm chi phí vận chuyển, hơn nữa trong nội khối các DN cũng tận dụng được các ưu đãi thuế, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa thuận lợi trong giao thương với các nước.
Cũng phải nhấn mạnh thêm rằng tư duy TMĐT là mình phải biết rõ đang bán cái gì, bán ở đâu, bán cho ai, khách hàng của mình họ cần cái gì... để từ đó xác định trọng tâm, trọng điểm phục vụ cho nhu cầu khách hàng của mình một cách tốt nhất.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho DN xuất khẩu thành công trên sàn TMĐT, từ phía các cơ quan quản lý cần xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng với TMĐT; tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT; đẩy mạnh ứng dụng hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực; mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển TMĐT tại các địa phương…
Dưới góc độ DN xuất khẩu nông sản, theo bà cần phải làm gì để khai thác hết các tiềm năng thế mạnh này?
Các DN xuất khẩu cần quan tâm chất lượng, liên kết với các vùng trồng, hợp tác xã, nhằm nâng tầm nông sản xuất khẩu để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thâm nhập mạnh vào các thị trường lớn, khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Việc khẳng định uy tín, chất lượng đã giúp các sản phẩm của DSW thâm nhập vào các kênh phân phối lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản với sản lượng tăng đều.
Ngoài ra, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch vào thị trường Trung Quốc các DN cần chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng theo hướng an toàn. Các DN chế biến, đóng gói xuất khẩu chuẩn bị cho việc kiểm tra đánh giá hoặc thanh tra của đối tác, yêu cầu quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức ký kết nghị định, yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói...
Xin cảm ơn bà!
Nguồn: Báo Công thương