Nuôi dê thoát nghèo
Dẫn tôi ra chuồng dê với 20 con dê cái đang nuôi để sinh sản, vợ chồng anh chị Thắng – Thao, người dân tộc Nùng, bản Cầu Tư, xã Hồng Kỳ chia sẻ: Anh chị nuôi dê được 4 năm, ban đầu là nuôi dê đực lấy thịt. Nay nguồn giống khan hiếm, gia đình xoay sang nuôi thử dê cái sinh sản, nếu hiệu quả tốt, sẽ chuyển hắn sang nuôi dê sinh sản.
“Nuôi dê tốn ít công chăm sóc hơn các loại gia súc, gia cầm khác. Dê là loài động vật ăn tạp nên ngoài trồng cỏ cho dê ăn, có thể tận dụng thêm nguồn thức ăn phong phú là lá, cỏ quanh nhà. Với khả năng sinh trưởng khá nhanh nên nuôi 1 con dê giống 15 kg - 16 kg thì chỉ sau 3,5 tháng là dê đạt 35 kg - 40 kg, lúc này là có thể xuất chuồng. Mỗi năm gia đình tôi nuôi 3 lứa, mỗi lứa 30 con. Trừ tiền con giống, cũng thu được 80 - 90 triệu đồng/năm” – anh Thắng cho hay.
Thức ăn chủ yếu của dê là cỏ và lá cây nên thịt dê luôn có chất lượng thơm ngon |
Cách nhà anh Thắng không xa là gia đình chị Nguyễn Thị Nghề. Chị Nghề tham gia vào công việc nuôi dê đã được 3 năm. Theo chị Nghề, giá dê thương phẩm năm 2018 là 120.000 – 130.000/kg với dê trưởng thành đạt 25kg/con trở lên; năm nay giá đã tăng hơn, hiện các thương lái đang thu mua 150.000 đồng/kg dê cái, 160.000 đồng/kg dê đực. Với giá thu mua như thế này, người nuôi dê lãi khoảng 1,5 triệu đồng/con, sau 3,5 tháng chăm sóc. Gia đình nào chăn nuôi dê với số lượng nhiều, tiền lãi cho một lứa dê không hề nhỏ, hơn hẳn chăn nuôi trâu bò. Như chị Nghề, một năm nếu đàn dê khỏe mạnh, giá cả ổn định, chị cũng thu về được cả trăm triệu đồng sau 3 lứa dê, Hơn thế, chị Nghề còn không phải lo lắng về việc bán dê, bởi có nhu cầu bán là thương lái tới thu mua tận nhà.
Từ việc nuôi dê thương phẩm, gia đình anh Thắng, chị Nghề cùng nhiều hộ đồng bào dân tộc Nùng ở Hồng Kỳ đã thoát nghèo, chất lượng cuộc sống được cải thiện đáng kể.
Tiêu thụ rộng rãi nhờ chất lượng tươi, ngon
Hồng Kỳ là xã miền núi của huyện Yên Thế, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 75%. Năm 2012, những đàn dê đầu tiên xuất hiện ở Hồng Kỳ, với tổng đàn chỉ vài chục con. Sau vài năm, thấy được hiệu quả mà chăn nuôi dê mang lại, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư và nhân rộng mô hình. Năm 2016, Hồng Kỳ đã thành lập Câu lạc bộ nuôi dê, thu hút hơn 50 thành viên tham gia, duy trì tổng đàn dê khoảng 1.300 con, cho thu nhập mỗi năm khoảng 7 tỷ đồng, trừ chi phí, người nông dân thu lãi khoảng từ 2 - 3 tỷ đồng.
Để chủ động đầu ra, bớt lệ thuộc vào thương lái, tháng 5/2019, 30 hộ nuôi dê ở xã Hồng Kỳ đã liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi dê - ong mật Hồng Kỳ. Ông Nông Trần Hiên, Trưởng thôn Trại Hồng, Giám đốc HTX cho biết: “Tham gia HTX, thành viên được trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, nâng cao kiến thức phòng, trị bệnh cho đàn dê, không lo bị thương lái ép giá mỗi khi xuất bán, bởi giá bán được các thành viên trong HTX thông báo theo tuần”.
Vừa chăn nuôi dê, vừa thu mua dê thương phẩm cho nhiều hộ ở Hồng Kỳ, anh Long Văn Hội, người dân tộc Nùng ở thôn Trại Hồng – cũng là thành viên HTX Chăn nuôi dê - ong mật Hồng Kỳ - phấn khởi chia sẻ: Dê Hồng Kỳ chủ yếu là chăn thả tự nhiên với thức ăn là cây cỏ nên chất lượng thịt rất thơm ngon. Chỉ sau vài năm cung cấp ra thị trường, dê Hồng Kỳ đã đến được các thị trường có nhu cầu tiêu thụ thịt dê lớn như: Ninh Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội… với giá bán ổn định.
Cùng với Hồng Kỳ, nghề chăn nuôi dê cũng đã phát triển tại một số xã ở Yên Thế, góp phần cải thiện thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Đây cũng là cơ sở để huyện Yên Thế xây dựng và ban hành Đề án Phát triển chăn nuôi dê thương phẩm, gắn với xây dựng nhãn hiệu chứng nhận dê Yên Thế giai đoạn 2019 - 2020.
Nguồn: báo Công thương