Giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đã được ký kết giữa tháng 1/2020 nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại bắt đầu vào tháng 3/2018. Trung Quốc hứa sẽ tăng mạnh nhập khẩu từ Mỹ để đổi lấy việc Mỹ không tăng thêm thuế quan bổ sung đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Sự ngừng chiến đang được thực hiện, nhưng vẫn còn nhiều thách thức đặt ra.
Vẫn chưa chắc chắn khi nào Mỹ sẽ bãi bỏ các mức thuế bổ sung mà nước này áp đặt đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, một hành động mà Tổng thống Donald Trump có thể tận dụng như công cụ mặc cả ở các cuộc đàm phán trong tương lai. Thuế quan cao của Mỹ và nhập khẩu từ Mỹ tăng mạnh, như cam kết của Trung Quốc trong thỏa thuận, sẽ không chỉ làm giảm sự mất cân bằng thương mại song phương mà còn gây áp lực giảm hơn nữa đối với nền kinh tế Trung Quốc đang chịu cú sốc đại dịch Covid - 19.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 không đề cập đến chương trình công nghiệp "made in China 2025" của Trung Quốc, hoặc trợ cấp của chính phủ cho các doanh nghiệp nhà nước, cả hai đều là mối quan tâm quan trọng của Mỹ. Những chính sách này được đưa ra trở thành vấn đề trung tâm trong các cuộc đàm phán. Một số nhà kinh tế hy vọng, thỏa thuận sẽ gây áp lực từ bên ngoài đối với Trung Quốc, để cải cách kinh tế tương tự như khi gia nhập WTO năm 2001. Nhưng có những khác biệt mang tính quyết định giữa hai tình huống này. WTO là một thỏa thuận đa phương áp dụng nguyên tắc đối xử tối huệ quốc giữa các thành viên. Ngược lại, thỏa thuận này là song phương và các biện pháp thường không áp dụng cho nước thứ ba. Việc Trung Quốc gia nhập WTO đã khuyến khích thương mại tự do thông qua việc cắt giảm thuế và các rào cản thương mại khác, trong khi các mục tiêu được đặt ra cho hàng nhập khẩu từ Mỹ trong thỏa thuận giai đoạn 1 là một bước tiến tới thương mại được quản lý. Sự đối xử ưu đãi này của Mỹ vi phạm nguyên tắc đối xử tối huệ quốc.
Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc đã lan rộng từ thương mại sang công nghệ. Mỹ đang cố gắng cấm các công ty công nghệ cao của Trung Quốc, như Huawei, đồng thời đưa ra quy định chống lại việc Trung Quốc mua lại các công ty công nghệ cao của Mỹ. Mỹ cũng đang thuyết phục đồng minh thực hiện các hành động tương tự. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dân số già hóa và lao động nông thôn dư thừa. Tăng trưởng có thể được dự kiến sẽ giảm hơn nữa nếu không thể dựa vào công nghệ nhập khẩu để nâng cao năng suất. Chừng nào Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy, Mỹ sẽ coi nước này là đối thủ cạnh tranh chiến lược và cuộc đối đầu giữa hai nước khó có thể lắng xuống. Chính quyền Trump đã chuyển chính sách Mỹ - Trung từ tham gia sang tách rời, nhằm cắt đứt liên kết với Trung Quốc bằng cách hạn chế dòng chảy thương mại và đầu tư song phương, cũng như công nghệ và con người. Chiến lược này đang tạo ra kết quả. Trung Quốc rơi vào danh sách các đối tác thương mại của Mỹ từ vị trí đầu tiên vào năm 2018 xuống vị trí thứ ba vào năm 2019. Đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghiệp công nghệ cao của Mỹ gần như đã dừng lại.
Xu hướng này hướng tới việc tách rời hai nền kinh tế lớn nhất có thể trở nên trầm trọng hơn bởi đại dịch Covid - 19 đang diễn ra. Có mối lo ngại gia tăng rằng, Mỹ phụ thuộc quá mức vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, không chỉ cho hàng tiêu dùng mà còn cho các loại thuốc quan trọng và vật tư y tế. Ngày 30/4, Tổng thống Trump đã đe dọa sẽ tăng thuế quan mới đối với Trung Quốc. Và ngay sau đó, ngày 3/5, Tổng thống Trump tiếp tục đe dọa sẽ chấm dứt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc, nếu nước này không thực hiện cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Thỏa thuận giai đoạn 1 đã chấm dứt mức thuế đối với khoảng 155 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, và giảm một nửa mức thuế xuống còn 7,5% đối với hàng hóa trị giá 120 tỷ USD khác, nhưng vẫn giữ mức thuế nhập khẩu 25% đối với các sản phẩm Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD.
Như vậy, chưa đầy 4 tháng sau khi ký kết, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 của Mỹ - Trung đứng trước thách thức lớn khi đại dịch Covid - 19 bùng phát. Chính quyền Trump cho đến nay vẫn do dự về việc tăng áp lực hoặc rút lui khỏi thỏa thuận hoàn toàn, ngay cả khi vẫn có những lời cam kết được đưa ra từ cả hai phía. Các chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ cho biết, cuộc chiến thương mại đã được phát động trong thời kỳ kinh tế tốt. Còn bây giờ, việc tái áp dụng hoặc mở rộng thuế quan, giữa lúc đại dịch toàn cầu và tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trên 20% sẽ khó khăn hơn nhiều. Tổng thống Trump đã gọi thuế quan là công cụ đàm phán lớn nhất. Thực tế, trong hai năm qua, chính quyền Trump đã áp thuế đối với khoảng 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc đã trả đũa bằng cách đánh vào hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Mỹ.
Thỏa thuận giai đoạn 1 được cho là mở ra kỷ nguyên hợp tác thương mại mới. Nhưng sự "ấm áp" này đang trở nên mờ nhạt nhanh chóng khi các quốc gia ứng phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng chưa từng có và nền kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng. Các nhà phê bình cho biết, những điều khoản của thỏa thuận, đặc biệt là lời hứa hẹn mua hàng không thực tế ngay từ đầu, và bị làm trầm trọng thêm bởi sự sụt giảm nhu cầu do sự bùng phát virus. Trung Quốc cam kết chi 52,4 tỷ USD để mua năng lượng của Mỹ trong hai năm. Hội đồng Thăm dò và Sản xuất Mỹ cho biết hồi tháng trước, Trung Quốc đã mua một lượng dầu thô tối thiểu của Mỹ trong những tháng đầu năm 2020, trong khi họ đã tăng mua dầu thô từ Ả Rập Saudi và Nga.
Một quan chức cấp cao của đại diện thương mại Mỹ mới đây thừa nhận, có những trục trặc liên quan đến mua hàng và chính quyền Trump đã thảo luận với Trung Quốc để đảm bảo nước này tuân thủ các cam kết. Một kế hoạch hành động bắt buộc về những thay đổi đối với chế độ quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc được công bố muộn hơn dự kiến, và một số quan chức trong chính quyền Mỹ xem đó là thiếu cụ thể.
Còn 6 tháng nữa mới đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, sau thương chiến với Trung Quốc thì đại dịch Covid - 19 sẽ là trọng tâm cho phần còn lại của cuộc bầu cử. Sẽ không có cử tri nào thừa nhận ông Trump đã đúng đắn khi lựa chọn một thỏa thuận thương mại "trống rỗng" hơn là sức khỏe của người dân Mỹ. Đây là một áp lực chính trị đối với ông Trump trên con đường tái đắc cử tổng thống. Do đó, như các cố vấn cao cấp của chính quyền Trump đã nhận định rằng, Mỹ sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn trong cuộc thương chiến với Trung Quốc khi các cử tri Mỹ, đặc biệt là những người ủng hộ ông Trump đều muốn có trách nhiệm giải trình.
Nguồn: Báo Công thương