Gần đây, lực lượngchức năng đã thu giữ hàng tấn nguyên liệu chế biến trà sữa có dấu hiệu làm giả, nhập lậu hay nội tạng không rõ nguồn gốc, cùng hàng nghìn lít mỡ gà bẩn… đang chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Sự việc cho thấy thực tế đáng lo ngại về tình trạng thực phẩm bẩn vẫn đang "len lỏi" khắp mọi nơi.
Phát hiện số lượng lớn thực phẩm bẩn, giả
Cuối tháng 6 vừa qua, người dân, đặc biệt là giới trẻ - những người ưa chuộng trà sữa, loại đồ uống đang thịnh hành hiện nay - không khỏi hoang mang khi lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội vừa phát hiện hàng tấn nguyên liệu chế biến trà sữa như trân châu, siro hương vị đường đen và đường nâu, bột pha trà sữa mang thương hiệu Royal tea, Gongcha... không rõ nguồn gốc và có dấu hiệu hàng giả tại Công ty TNHH Mr. Dink Việt Nam. Điều đáng nói, tại thời điểm kiểm tra, nhiều thùng hàng bị bật tung, ẩm mốc, hàng đổ vương vãi, dưới nền các kho hàng ngổn ngang rác và các tệp giấy in nhãn phụ.
Mới đây, Cục QLTT Hà Nội đã thu giữ 10 tấn nội tạng đông lạnh đã bốc mùi hôi thối, không rõ nguồn gốc gồm tràng trứng, nầm lợn, kê gà, cánh gà, lườn ngỗng hun khói, râu bạch tuộc… đang trên đường tiêu thụ. Phần lớn hàng hóa được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau trên biên giới các tỉnh phía Bắc, sau đó thuê phương tiện vận chuyển vào tiêu thụ trong cửa hàng, quán ăn vỉa hè khu vực miền Nam. Trước đó, Cục QLTT Lạng Sơn cũng phát hiện xe ôtô tải đang vận chuyển 1.500 lít mỡ gà có màu đen, nổi váng bẩn…
Nội tạng đông lạnh đã bốc mùi hôi thối bị quản lý thị trường phát hiện |
Không chỉ kinh doanh đồ ăn, thức uống bẩn, không rõ nguồn gốc, một số đối tượng còn sản xuất đồ uống giả nhiều nhãn hiệu nổi tiếng. Điển hình, Đội QLTT số 4 (Cục QLTT Vĩnh Long) đã phối hợp với lực lượng công an triệt phá cơ sở sản xuất, đóng gói trà, cà phê Long Bình (số 455, ấp Thanh Sơn, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu như trà Long Phụng, trà Hiệp Thành, trà Hương Ngọc Trang 1, trà Thiên Hương 9, cà phê Bảo Minh 1, cà phê Bảo Minh 2, cà phê Sơn Tùng, cà phê Hữu Khánh, cà phê Tuấn Kiệt, cà phê Hồng Hạnh. Đại diện các nhãn hàng khẳng định, toàn bộ bao bì, nhãn mác các sản phẩm tại cơ sở bị lực lượng QLTT Vĩnh Long kiểm tra, thu giữ đều giả mạo bao bì của sản phẩm chính hãng. Chất lượng sản phẩm đang tiếp tục được giám định để kiểm tra, xác minh…
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Mặc dù lực lượng chức năng liên tục kiểm tra, kiểm soát, xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn diễn biến phức tạp hiện nay. Một số đối tượng vẫn mặc nhiên, trà trộn các mặt hàng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, hàng giả để "tuồn" ra thị trường, bất chấp mọi thủ đoạn và sức khỏe người tiêu dùng, bởi số tiền xử phạt hành chính có lẽ "không đáng" so với lợi nhuận khổng lồ từ việc kinh doanh thực phẩm bẩn, giả mang lại.
Theo đại diện Tổng cục QLTT, hiện nay, các đối tượng vi phạm còn dùng thủ đoạn để tránh bị phạt nặng và truy tố, như chia nhỏ, phân tán để cất giấu, trà trộn với hàng hóa hợp pháp, hay tách các công đoạn vi phạm; vận chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh; giao dịch qua thương mại điện tử, các ứng dụng internet..., gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Đặc biệt, một số đối tượng đã lợi tình hình dịch bệnh, sử dụng thương mại điện tử để kinh doanh, buôn bán, giao hàng tận nơi cho người tiêu dùng.
"Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục tăng cường triển khai trên diện rộng toàn quốc công tác kiểm tra, hậu kiểm, kiểm nghiệm thực phẩm lưu thông trên thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng" - đại diện Tổng cục QLTT cho hay.
Để đẩy lùi tình trạng thực phẩm bẩn, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, người dân cần sáng suốt lựa chọn, mua bán, sử dụng các sản phẩm thực phẩm. |
Nguồn: Báo Công thương