Bạn đang ở đây

Thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép"

06/10/2020 07:58:56

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hai đợt bùng phát dịch bệnh vào tháng 3 và tháng 7 đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội nhưng chúng ta đã kiểm soát thành công và thực hiện "mục tiêu kép" thắng lợi.

Tăng trưởng kinh tế cả nước trong quý III/2020 ước tính đạt 2,62%, cao hơn nhiều mức tăng 0,39% của quý II và nhờ đó giúp GDP cả nước trong 9 tháng đạt mức tăng 2,12%. Dù là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020

Đáng chú ý, trong quý III, các khu vực kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn quý II và là động lực cho tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng dương 2,93%; công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%; dịch vụ tăng 2,75%.

Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 9 tháng năm 2020, CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam (do Nikkei đánh giá) đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 9, cao nhất ASEAN và so với 45,7 điểm tháng 8, thể hiện xu hướng phục hồi rõ nét của nền kinh tế Việt Nam.

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 9 và 9 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý III/2020 tăng khá, tăng 7,4% so với cùng kỳ, đặc biệt vốn khu vực nhà nước tăng 21,5%.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là nước kinh tế tăng trưởng dương duy nhất ở khu vực ASEAN, nằm trong số ít nước tăng trưởng dương trên thế giới. Điều này cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành đã đi đúng hướng. Bên cạnh công tác bảo đảm sức khỏe cho nhân dân thì đẩy mạnh phát triển kinh tế là hướng đi cần thiết.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, nhiều lĩnh vực vẫn còn gặp khó khăn như dịch vụ, hàng không, vận tải… Con số doanh nghiệp ngừng hoạt động là vấn đề cần quan tâm. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng mức tăng trưởng còn thấp so với tiềm năng, kỳ vọng được đặt ra đầu năm.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "tự lực, tự cường mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển đất nước".

Tinh thần như Thủ tướng Chính phủ nêu lên là lạc quan nhưng không chủ quan, khối lượng công việc cần làm trong tháng 10 và trong quý IV sắp tới còn rất nhiều, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức cần vượt qua, còn các bất cập, vướng mắc cần xử lý để có thể đạt cao nhất các chỉ tiêu đề ra.

Cũng tại phiên họp lần này, Chính phủ đã dành nhiều thời gian đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01 và 02, tình hình phòng, chống dịch Covid-19.

Cùng đó, Chính phủ xem xét, thảo luận công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Báo cáo phân bổ dự toán ngân sách Trung ương năm 2021, tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về Chính phủ điện tử và một số nội dung khác.

Bên cạnh những vấn đề cấp bách cần làm ngay trong 3 tháng cuối năm, các thành viên Chính phủ còn tập trung thảo luận các định hướng cho năm tới trong bối cảnh tình hình mới.

Trong quý III/2020, ngành Công Thương có xu hướng phục hồi mạnh mẽ, rõ nét, tạo tiền đề cho quý IV và cả năm 2020.

Nguồn: Báo Công thương