Xác định thực hiện chủ trương trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, nhất thể hóa chức danh cán bộ ở cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm, tạo đà cho việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 22, Tỉnh ủy Yên Bái đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc quy định phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ; quy định về tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức; phân cấp rõ ràng, cụ thể từng chức danh cán bộ thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, tập thể lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành ủy… để thống nhất thực hiện.
Trên cơ sở bám sát các quy định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 và 2015 - 2020, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã xây dựng, ban hành quy định về phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo cán bộ.
Trong quá trình thực hiện, các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đều thực hiện nghiêm túc quy định về phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ trong tất cả các khâu của công tác cán bộ từ tuyển dụng, bổ nhiệm, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ; chỉ đạo xây dựng phương án nhân sự cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và bố trí, sử dụng cán bộ trong hệ thống chính trị bảo đảm cơ cấu 3 độ tuổi và tính kế thừa, phát triển; chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ cán bộ kế cận, có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ.
Tỷ lệ, cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương trong quá trình chuẩn bị nhân sự lãnh đạo các cấp, nhất là đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu trong cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hệ thống chính trị. Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn nhất định, tỉnh đã lựa chọn, bố trí cán bộ thuộc các lĩnh vực, ngành nghề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm sự phát triển phù hợp với tình hình, thực tiễn của địa phương.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, XVIII tiếp tục xác định mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để phát triển kinh tế bền vững là nhiệm vụ quan trọng trong công tác cán bộ.
Theo đó, tỉnh đã chú trọng, ban hành các chính sách nhằm thu hút cán bộ có triển vọng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học, kỹ thuật vào làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị như: Nghị quyết số 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI về chính sách thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, cán bộ quản lý và đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số; Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh về chính sách thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, cán bộ quản lý và đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số tỉnh; Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh về việc phê duyệt Đề án chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009 - 2015…
Kết quả, từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã thu hút được 101 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc về công tác, góp phần tạo nguồn cán bộ chất lượng cao, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ năng lực, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết 22, các cấp ủy đã quan tâm chỉ đạo kiện toàn, rà soát, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn theo tinh thần Nghị định số 22, số 92, số 24 của Chính phủ.
Tính đến ngày 31/12/2017, tổng số cán bộ, công chức cấp xã toàn tỉnh là 3.639 đồng chí; trong đó, cán bộ chuyên trách 1.784 đồng chí (lãnh đạo chủ chốt 909 đồng chí gồm: 177 bí thư đảng ủy, 183 phó bí thư đảng ủy, 2 chủ tịch HĐND, 177 phó chủ tịch HĐND, 174 chủ tịch UBND, 196 phó chủ tịch UBND); nữ 81 đồng chí, chiếm 8,9%; dân tộc thiểu số 498 đồng chí, chiếm 54,8%; tuổi dưới 30 có 8 đồng chí, chiếm 0,8%; từ 30 - 45 tuổi 338 đồng chí, chiếm 37,2%; từ 45 đến dưới 55 tuổi 364 đồng chí, chiếm 40%; từ 55 - 60 tuổi là 197 đồng chí, chiếm 21,8%. Trình độ chuyên môn, có 5 thạc sỹ, chiếm 0,55%; 532 đại học, chiếm 58,5%; 19 cao đẳng, chiếm 2%; 317 trung cấp, chiếm 34,9%...
Về trình độ lý luận chính trị, có 35 cao cấp, 830 trung cấp… Công chức cấp xã là 1.855 đồng chí, trong đó trình độ chuyên môn thạc sỹ 1 đồng chí; đại học 944 đồng chí, cao đẳng 174 đồng chí, trung cấp 701 đồng chí. Về lý luận chính trị, trung cấp 826 đồng chí; sơ cấp 526 đồng chí…
Đa số cán bộ, công chức cấp xã đều có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và phong cách làm việc tốt; có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí công tác, nắm được nghiệp vụ, có tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân tốt, luôn có ý thức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Một số công chức trẻ có trình độ đào tạo cơ bản, có năng lực công tác đã từng bước được bổ sung vào đội ngũ cán bộ chủ chốt…
Việc tiếp nhận và đưa sinh viên đã tốt nghiệp đại học về xã, thị trấn, nhất là vùng sâu, vùng xa luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm, coi trọng. Theo đó, Tỉnh ủy đã lãnh đạo triển khai tốt Dự án 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã ở các huyện nghèo thuộc Chương trình 30a.
Nhiệm kỳ, 2016 - 2021, đã có 20 đội viên thuộc Dự án được bầu, phê chuẩn vào các chức danh phó chủ tịch xã, trong đó 6 phó chủ tịch phụ trách khối văn hóa - xã hội; 10 phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực nông, lâm nghiệp; 4 phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực kinh tế… Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng triển khai các chế độ, chính sách thu hút, cử tuyển, đào tạo cán bộ, công chức, cán bộ chuyên trách ở cơ sở xã, phường, thị trấn.
Phát huy kết quả đã đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, thời gian tới, Tỉnh ủy Yên Bái xác định việc tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của từng loại hình tổ chức cơ sở Đảng là nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh từ tỉnh đến cơ sở.
Theo đó, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở phải hoàn thiện, thống nhất đồng bộ hệ thống tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, từ đó hoàn thiện mô hình tổ chức của các loại hình của tổ chức cơ sở Đảng theo hướng gắn tổ chức cơ sở đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và lãnh đạo các tổ chức chính trị, xã hội; chăm lo kết nạp đảng viên, nhất là ở những địa bàn, đơn vị chưa có tổ chức Đảng, chưa có đảng viên; tiếp tục kiện toàn, sắp xếp của các tổ chức cơ sở Đảng cho đồng bộ, thống nhất với các tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở.
Đồng thời, xây dựng mô hình tổ chức phù hợp với những tổ chức cơ sở Đảng có tính đặc thù, vừa tạo sự thống nhất chung, vừa phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng địa phương, đơn vị.
Trong đó, chú trọng thống nhất mô hình tổ chức Đảng ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, mô hình nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, tổ dân phố cho phù hợp, bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ và lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên…
Nguồn: Báo Công thương