Tham dự hội nghị có gần 300 đại biểu đại diện cho các Bộ, Ban, ngành; Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc; công đoàn cơ sở trực thuộc ngành công thương;các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải- Thứ trưởng Bộ Công Thương- cho biết, trong thời gian qua, ngành Công Thương. Thời gian qua, Chính phủ và Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, cung ứng hàng hóa để tìm kiếm đầu ra ổn định cho hàng hóa được sản xuất trong nước có chất lượng cao. Trong khi đó, công nhân tại các khu chế xuất, KCN có thu nhập thấp chiếm phần không nhỏ lực lượng công nhân lao động hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị |
Do đó, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đi đầu trong các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại để đưa hàng Việt Nam có chất lượng, giá cả hợp lý, bảo đảm các tiêu chí an toàn thực phẩm và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cho người lao động bằng nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, phục vụ người lao động tại khu chế xuất, KCN đã đạt hiệu quả tích cực , từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nắm bắt tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người lao động, chiếm lĩnh thị trường trong nước. Thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, đến nay các địa phương đã tổ chức được hơn 3.000 đợt bán hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trong khuôn khổ triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay, cả nước đã xây dựng được 104 điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; trong đó nhiều điểm bán được thiết lập tại khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, hàng hóa chủ yếu phục vụ cho công nhân và người lao động...
Hàng Việt ngày càng có được sự quan tâm của người công nhân lao động |
“Để các hoạt động cung ứng hàng hóa cho người lao động, cho công đoàn viên làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương với Tổng Liên đoàn Việt Nam nhằm tổ chức tốt hệ thống phân phối hàng Việt Nam với giá cả hợp lý, bảo đảm các tiêu chí an toàn thực phẩm và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cùng với phương thức thanh toán linh hoạt phục vụ người công nhân lao động gắn với Đề án Đầu tư xây các dựng Thiết chế Công đoàn tại các khu công nghiệp và các chương trình phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn và người lao động do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam phát động” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Hội nghị là cơ hội để tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu của các bên tổ chức các điểm bán hàng Việt Nam tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và tổ chức các chương trình bán hàng giảm giá nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho đối tượng người lao động, góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội.
Thông qua hội nghị nhằm tuyên truyền phổ biến các mô hình cung ứng hàng hóa thiết yếu Việt Nam tại khu chế xuất, khu công nghiệp, đồng thời đề xuất các giải pháp tăng cường khả năng cung ứng hàng hóa cho đối tượng công nhân, người lao động có thu nhập thấp thông qua hình thức kết nối các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam với Công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp có đông công nhân, người lao động. Đồng thời định hướng các doanh nghiệp cung ứng hàng Việt Nam tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tổ chức các điểm bán hàng Việt Nam lưu động và cố định cho công nhân, người lao động được tiếp cận hàng hóa sản xuất trong nước với chất lượng tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả cạnh tranh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đi tham quan gian hàng của tỉnh Quảng Ninh |
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Văn Thuật chia sẻ thêm: Tổng LĐLĐ Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 50 thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp trong cả nước đi vào hoạt động và đến năm 2030 tất cả các khu công nghiệp trong cả nước đều có thiết chế công đoàn góp phần tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất trong việc tọa nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh đảm bảo đủ tiêu chuẩn chất lượng, thỏa mãn nhu cầu mua sắm, tiêu dùng đa dạng và ngày càng cao ở Việt Nam để cung ứng cho các cơ sở bán lẻ, giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa hập khẩu.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Công thương, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp đã trao đổi, chia sẻ, phổ biến về các hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hướng tới đối tượng công nhân, người lao động và các giải pháp thúc đẩy hoạt động cung ứng hàng Việt Nam tại khu chế xuất, khu công nghiệp.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao những ý kiến, chia sẻ, giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động cung ứng hàng Việt của các đại biểu tham dự. Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp cần tiếp tục nhân rộng điểm bán hàng Việt cố định và lưu động, tổ chức các chuyến bán hàng Việt đến các KCN, KCX.
Cùng với đó Bộ Công Thương sẽ thông qua các cơ quan của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các địa phương tìm hiểu nhu cầu và triển khai các mô hình cung ứng hàng hóa mới tại cái KCN, KCX để phục vụ cho công nhân, người lao động; tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Công Thương với Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng các địa phương, hiệp hôi doanh nghiệp và đặc biệt là các doanh nghiệp có chuỗi siêu thị, hệ thống phân phối trên toàn quốc thể thực hiện được tốt các mô hình cung ứng hàng hóa thiết yếu Việt Nam tại các KCN, KCX.
Các đại biểu chứng kiến lễ ký kết hợp tác của các doanh nghiệp |
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cùng các đại biểu đã chứng kiến Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác xúc tiến cung ứng hàng Việt Nam phục vụ công nhân, công đoàn viên, người lao động của gần 20 doanh nghiệp./.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Trong thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp cần tiếp tục đáp ứng và nắm bắt được những nhu cầu mua bán của công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để đa dạng thêm chủng loại hàng hóa nhưng giá cả phải phù hợp với người dân, đặc biệt là những người công nhân vì đây là nhóm có mức lương rất khiêm tốn và sớm để những mặt hàng đến tay người công nhân lao động. Nguồn: Báo Công thương |