Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Toàn quốc Tổng kết 10 năm Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 do Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu Quốc gia tổ chức sáng 19/10, tại Nam Định.
Chương trình rất trúng, rất đúng, đi vào lòng người
Phát biểu tổng kết tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhìn lại 9 năm qua thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, có thể thấy đây là chương trình rất trúng, rất đúng, đi vào lòng người, khai thác được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị kết hợp sức mạnh của từng người dân, tạo nên thành tích to lớn, toàn diện, lịch sử.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: VGP) |
Trước hết, đó là sự thay đổi chuyển biến, thay đổi nhận thức sâu sắc của cán bộ đảng viên, toàn xã hội, người dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt nhất mạnh đến vai trò của người dân trong việc thực hiện Chương trình này, Thủ tướng cho hay, họ đã làm chủ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đây là một bài học quan trọng được rút ra. Sức dân là vô cùng to lớn trong thành công này. “Chúng ta làm hàng vạn km đường giao thông nông thôn mà không mất một đồng tiền đền bù giải phóng nào, người dân sẵn sàng hiến đất, thậm chí hiến cả nhà, cả ngày công, tiền bạc”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, đã huy động được nguồn lực lớn trong 9 năm với 2,4 triệu tỷ đồng, như vậy, trung bình mỗi năm huy động tương đương 10 tỷ USD cho phát triển các thiết chế hạ tầng, sản xuất, đời sống, văn hóa, xã hội. Bộ mặt nông thôn thay đổi đáng kể, xanh hơn, đẹp hơn và sạch hơn.
Liên quan đến khía cạnh thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, Thủ tướng cho hay, 10 năm qua, GDP của nông nghiệp tăng khoảng 3%, với 3 ngành hàng trụ cột gồm: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Nhiều mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đến cuối năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 4.000 sản phẩm OCOP. Tất cả tạo nên một nền nông nghiệp đặc thù, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, đã hình thành nhiều trang trại, hợp tác xã kiểu mới, các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn với 14.800 hợp tác xã, 11.000 doanh nghiệp, 33.000 trang trại hoạt động có hiệu quả, đặc biệt, có nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gồm: doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân đã được hình thành. Những mô hình này rất quan trọng đối với nông nghiệp, nông thôn. Chương trình đã cải thiện một cách tích cực đời sống của người dân khu vực nông thôn. Năm 2009 thu nhập bình quân 9,7 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2018 đạt 35,9 triệu đồng/người/năm, tăng 3,7 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19% năm 2009 xuống còn 4% đến cuối năm nay.
Cùng với cải thiện vật chất, đời sống văn hóa, tinh thần, trình độ của người dân cũng được nâng cao. Hệ thống chính trị ở nông thôn cơ bản vững mạnh, an ninh nông thôn cơ bản được đảm bảo.
Nhắc lại con số về kết quả đạt được của Chương trình sau 9 năm thực hiện với các con số đến hết tháng 10/2019, cả nước có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã. Cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí, đồng thời đã có 93 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thủ tướng cho hay, kết quả này vượt xa kế hoạch đề ra và sớm hơn một năm rưỡi năm so với Nghị quyết 26. Ngoài 2 tỉnh Nam Định và Đồng Nai được công nhận là tỉnh hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới thì còn có 6 tỉnh hoàn thành 100% số xã nông thôn mới nhưng chưa có 100% số huyện được công nhận, Thủ tướng đề nghị các tỉnh này cần cố gắng phấn đấu để được công nhận là tỉnh nông thôn mới trong thời gian tới.
“Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 qua 9 năm thực sự đã tạo ra bước đột phá lịch sử, làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam, vị thế người dân được nâng cao, đời sống cải thiện rõ nét, sản xuất nông nghiệp tiếp tục được tái cơ cấu theo hướng hiện đại, bền vững hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Hội nghị Tổng kết 10 năm Chương trình xây dựng nông thôn mới (ảnh VGP) |
Phải mạnh dạn, quyết tâm, dám đặt mục tiêu cao hơn
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng ra những điểm tồn tại, hạn chế. Theo đó, sự chỉ đạo chưa đồng bộ, có lúc, có nơi cấp ủy chính quyền chưa sát sao, chưa quyết quyết liệt, làm cho bức tranh phát triển không đồng đều. Thậm chí, ngay những nơi có điều kiện hoặc trong cùng một điều kiện giống nhau kết quả lại rất khác nhau. Chênh lệch vùng miền còn thể hiện rõ, điều này cho thấy phân bổ nguồn lực, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động nguồn lực chưa phù hợp cho sự phát triển cân bằng. Đầu tư từ nguồn lực ngân sách đầu tư chiếm tỷ lệ nhỏ, nhất là giai đoan 2010- 2015, chưa tạo nên nhân tố thúc đẩy, đặc biệt ở vùng khó khăn.
Các chỉ tiêu phát triển sản xuất, chăm lo môi trường sống của người dân, củng cố chính quyền cơ sở chưa đạt được kết quả đồng bộ với kết quả phát triển hạ tầng. Một số cấp ủy chính quyền còn chưa sát dân, công tác dân vận chưa tốt… nên vẫn xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện….. “Đừng coi thường những đám lửa nhỏ, có thể cháy những cách rừng lớn”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Bộ tiêu chí đã chỉnh sửa xong nhưng còn nhiều nội dung chưa phát huy được tính sáng tạo, đặc thù của từng vùng, từng miền,… Ngoài ra, vấn đề môi trường, rác thải nhựa, nguồn nước bị ô nhiễm, an ninh trật tự nông thôn,… vẫn còn nhiều tồn tại. Do đó, Thủ tướng yêu cầu, những vấn đề này cần phải tập trung quyết liệt và hoàn thiện cụ thể hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thế mạnh, còn rất nhiều dư địa, là lợi thế trong tiến trình phát triển và hội nhập. Phải mạnh dạn, quyết tâm, dám đặt mục tiêu cao hơn. Các địa phương phải đi tiên phong để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đặc thù, xây dựng một vùng nông thôn xanh, sạch, đẹp và bản sắc, đáng sống. Xây dựng NTM không chỉ ở đồng bằng mà cả miền núi, làng bản, xã đảo. Thủ tướng cho biết Chính phủ đã trình Quốc hội để ban hành một chương trình về dân tộc miền núi, để ghép 18 chương trình nhỏ lẻ lại thành một chương trình về dân tộc miền núi, một chương trình quốc gia lớn hơn.
Nhắc lại mục tiêu triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay, dự kiến phấn đấu đến năm 2025 có 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 50% số huyện, thị xã đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 10% được công nhận là huyện, thị xã nông thôn mới kiểu mẫu, có ít nhất 19 tỉnh được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Thủ tướng đề nghị, phải tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo thống nhất các cấp, để có được đội ngũ cán bộ chuyên tập trung cho việc tham mưu, chỉ đạo. Hoàn thiện bộ tiêu chí theo hướng tạo khung khổ, định hướng cho các địa phương phát huy tính chủ động, sáng tạo cao nhất. “Các địa phương không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả ban đầu này. Phải luôn nhất quán quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, chưa và không có điểm kết thúc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tổng huy động nguồn lực đầu tư bằng cơ chế, hình thức hợp tác công tư, xã hội hóa, riêng ngân sách tập trung cần được tăng cường bằng 2 nhóm nguồn chính. Đó là đầu tư trung hạn 2021-2025 và chương trình mục tiêu quốc gia 2021- 2025, đặc biệt đầu tư xã hội và vai trò hợp tác xã… trong nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và nông thôn. Không có hợp tác xã kiểu mới, những tập đoàn lớn, không có những trang trại quy mô khó có thể chuyển một nền nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa.
Khẳng định lại một lần nữa các mục tiêu đặt ra, Thủ tướng cho hay, cần không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng của đời sống người dân nông thôn miền núi. Xây dựng miền quê đáng sống, xanh, sạch, đẹp. Tiếp tục bảo tồn, phát triển song hành giữa văn hóa, nét đẹp văn hóa của người dân trong quá trình phát triển. Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị dưới sự chỉ đạo và lãnh đạo không ngừng vững mạnh để phục vụ nhân dân. “Một chương trình hành động cụ thể sau Hội nghị này phải được chuẩn bị để đưa ra thông qua tại cấp ủy, chính quyền từng cấp, nhất là cấp tỉnh, huyện, nhất là ở những địa phương còn có nhiều huyện, xã chưa đạt danh hiệu NTM”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các địa phương, các ngành hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng phát động tối 18/10.
Nguồn: Báo Công thương