Gần 1 tuần sau khi các doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá thịt lợn hơi, người tiêu dùng vẫn phải mua ở mức giá cao. Nguồn cung thịt lợn sản xuất trong nước giảm, còn thiếu so với nhu cầu tiêu dùng, chế biến vẫn được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Khâu trung gian không phải là nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng cao |
Giá giảm không như kỳ vọng
Người tiêu dùng kỳ vọng sẽ được mua thịt lợn giá rẻ ít nhất từ 20- 30% so với mức giá hiện nay, khi hàng loạt doanh nghiệp đã có cam kết giảm giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg theo yêu cầu của Chính phủ kể từ ngày 1/4. Nhưng trên thực tế, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh và nhiều siêu thị trên cả nước dù đã hạ từ 10.000 – 20.000 đồng/kg nhưng vẫn ở mức cao.
Tại thị trường Hà Nội, chị Phạm Hồng Anh (Đại Từ, quận Hoàng Mai), chia sẻ: sáng 5/4 tôi đi chợ dân sinh gần nhà mua thịt ba chỉ và sườn non về cho gia đình nhưng giá thịt vẫn dao động trong khoảng 150.000 đến 160.000 đồng/kg, còn sườn non giá 200.000 đồng/kg. Giá này có giảm nhẹ hơn so với đợt trước khi có lệnh giãn cách xã hội một chút.
Khác với chị Hồng Anh, do mua thịt lợn ở chợ dân sinh thấy giá vẫn cao nên chị Trần Thu Thuỷ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), đã chọn siêu thị gần nhà để mua thịt lợn: “Tôi mua một khay thịt lợn phần vai 350g ở Vinmart với giá 56.000 đồng, tính ra giá cũng vào khoảng 160.000 đồng/kg thịt lợn vai”.
Giá thịt lợn tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội đã có dấu hiệu giảm nhưng vẫn ở mức cao |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, tại một số chợ dân sinh và siêu thị ở khu vực quận Hoàng Mai, quận Thanh Xuân… ngày chủ nhật (5/4), giá thịt lợn tại đây đã có dấu hiệu giảm nhưng vẫn ở mức cao, sức tiêu thụ cũng giảm, người dân không đổ xô đi mua như những ngày trước đó. Cụ thể, tại các khu chợ dân sinh giá thịt ba chỉ, chân giò, thịt thăn có giá 150.000 – 160.000 đồng/kg, giá thịt mông sấn dao động từ 140.000 - 160.000 đồng/kg, sườn thăn, sườn non giá dao động từ 170.000 - 230.000 đồng/kg. Còn tại các hệ thống siêu thị lớn ở Hà Nội, giá thịt ba chỉ dao động từ 160.000 - 280.000 đồng/kg tuỳ nguồn nhập, thịt mông giá 150.000 đồng/kg, thịt vai từ 160.000 - 230.000 đồng/kg, giá thịt thăn 140.000 - 160.000 đồng/kg, chân thịt giò từ 150.000 - 200.000 đồng/kg, giá sườn thăn vào khoảng 190.000 - 250.000 đồng/kg...
Tại Quảng Ninh, khảo sát tại các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại tại Quảng Ninh cho thấy: giá thịt lợn hơi ở mức 75.000-80.000 đồng/kg, vẫn giữ mức ổn định, không thay đổi so với những ngày trước đó. Giá sườn non :165.000-185.000 đ/kg, thịt đùi heo 142.000-150.000 đồng/kg, thịt ba chỉ: 173.000-185.000đ/kg, thịt vai 150.000 – 174.000 đ/kg, nạc thăn 152.000-163.000 đ/kg, nạc dăm 160.000 – 167.000 đ/kg.
Tại khu vực Đông Nam bộ, dù giá lợn hơi đã giảm mạnh, song theo ghi nhận của phóng viên Công Thương, giá thịt lợn tại chợ dân sinh và siêu thị vẫn đứng ở mức cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Để bình ổn giá thị trường và chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lớn tại khu vực này đã giảm giá thịt heo hơi xuất chuồng về mức 70.000 đồng/kg. Mức giá này được áp dụng từ ngày 1/4. Tại các địa phương, giá lợn hơi xuất chuồng tại các trang trại nhỏ lẻ trong dân cũng đang có xu hướng giảm mạnh, giá bán dao động quanh mốc 72.000-79.000 đồng/kg lợn hơi tuỳ loại.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tiển, Phó Giám đốc kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) - cho biết, từ ngày 1/4, giá lợn hơi tại chợ giảm về quanh mốc 70.000 đồng/kg, giá thịt mảnh giảm khoảng 5.000 đồng/kg về mức 105.000 đồng/kg. Trong 5 ngày qua, lượng lợn về chợ trung bình khoảng 3.500 con/ngày, giảm khoảng 2.000 con so với trước đó. Mức tiêu thụ khá chậm, tiểu thương lấy về ít hơn do hàng loạt hàng quán nghỉ kinh doanh, nhiều công ty tạm nghỉ hoặc giảm giờ làm việc, người dân có xu hướng ở nhà nhiều hơn…
Dù giá lợn hơi tại chợ đầu mối đã giảm mạnh, song tính đến chiều ngày 5/4, giá thịt lợn tại chợ dân sinh và siêu thị vẫn neo ở mức cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cụ thể, tại các khu chợ dân sinh ở khu vực quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh…, giá thịt vẫn giữ mức như những ngày trước: Thịt ba chỉ dao động ở mức 160.000 - 180.000, đồng/kg, sườn non 220.000 - 230.000 đồng/kg, thịt đùi 125.000 đồng/kg, cốt lết 150.000 đồng/kg…
Còn ở các hệ thống siêu thị lớn ở TP. Hồ Chí Minh như Co.opmart, Vinmart…, giá thịt ba chỉ dao động từ 180.000-250.000 đồng/kg; thịt đùi 140.000 đồng/kg; nạc đùi 161.000 đồng/kg, thịt vai 139.000 đồng/kg; thịt thăn 140.000-160.000 đồng/kg; thịt chân giò 128.000 đồng/kg… Tại quầy thịt siêu thị Co.opmart Bình Triệu (quận Thủ Đức) ghi nhận, giá thịt tại siêu thị vẫn ở mức chững, do giá nhập vào chưa giảm. Vì nếu giá nhập hàng vào giảm xuống thì chắc chắn siêu thị sẽ yêu cầu giảm giá ngay.
70.000 đồng/kg lợn hơi là mức giá… tượng trưng
Giá lợn hơi ngày 5/4 ở miền Bắc không có nhiều biến động. Theo đó, tại Hà Nội, Hưng Yên vẫn đạt 80.000 đồng/kg, trong khi đó, tại Thái Bình, Nam Định cũng đạt 79.000 - 80.000 đồng/kg; tại Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, giá lợn hơi đạt 78.000 - 80.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Bắc Giang đạt 79.000 - 81.000 đồng/kg (tùy loại heo); Thái Nguyên lợn hơi đứng ở mức 77.000 đồng/kg. Có thể thấy, giá lợn hơi trên thị trường với mốc 70.000 đồng/kg từ đầu tháng 4 theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vẫn còn là “của hiếm”.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện một doanh nghiệp phân phối cho hay, giá 70.000 đồng/kg lợn hơi là giá niêm yết tại cửa trại nhưng không bao giờ doanh nghiệp mua được mức giá đó, kể cả các thương lái ở chợ các chợ cũng không mua được mức giá này. Cũng có thể, trong 10 con, họ chỉ bán 2 con với mức giá 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này cho hay, công ty không được mua được lợn hơi trực tiếp từ các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, hoặc có mua được thì khối lượng cũng rất khiêm tốn, chủ yếu mua các kênh trung gian khác nhau.
Như vậy, sau gần một tuần ngày doanh nghiệp chăn nuôi lớn cam kết giảm giá thịt lợn thì giá thịt lợn trên thị trường từ chợ đến siêu thị hoàn toàn chưa có dấu hiệu giảm giá như kỳ vọng. Trên thực tế, từ sản xuất đến tiêu dùng ở hầu hết hệ thống phân phối các mặt hàng trong đó có mặt hàng thịt lợn đều tồn tại khâu trung gian là tất yếu để bảo đảm đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng.
Trong phân tích của ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương), qua mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng thì giá lợn hơi/thịt lợn sẽ tăng trung bình khoảng 8 - 10% (lấy lãi suất vay ngân hàng làm thước đo) do mỗi công đoạn của chuỗi cung ứng thì những đối tượng tham gia đều có chi phí sản xuất và lợi nhuận tương đương. Theo đó, từ doanh nghiệp chăn nuôi đến người tiêu dùng, giá lợn hơi từ 70.000đ/kg sẽ tăng lên khoảng 90.000 - 100.000đ/kg. Qua quá trình giết mổ, pha lóc, từ 100kg lợn hơi chỉ thu được 55 kg thịt lợn ăn được (gồm cả nạc và mỡ). Từ giá thành 70.000đ/kg lợn hơi, sau khi giết mổ thì chi phí 1kg thịt lợn thành phẩm (cả nạc và mỡ) sẽ thành 127.000 đồng/kg, không bao gồm chi phí tại các khâu trong chuỗi cung ứng.
Bà Lê Thị Thoa, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Gốc Đề (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) giải thích, giá thịt lợn vẫn ở mức 150.000 đồng đến 160.000 đồng/kg tùy loại vì mối hàng đưa giá móc hàm là 115.000 đồng/kg, chưa kể chi phí.
Như vậy, rõ ràng giá thịt lợn qua các công đoạn lưu thông và chế biến đến tay người tiêu dùng hiện nay theo đúng theo cơ chế thị trường và không phải do khâu trung gian đẩy giá lên cao.
Cung giảm, nhu cầu thị trường vẫn cao
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cũng giống như giá gà, vịt, việc giá thịt heo vẫn neo ở mức cao là do quy luật cung - cầu. Hiện nguồn cung thịt lợn trong nước giảm, còn thiếu so với nhu cầu tiêu thụ, chế biến. Dẫn số liệu từ Vụ thị trường trong nước- Bộ Công Thương, ông Công cho biết, trong quý I/2020, tổng sản lượng thịt cung ứng ra thị trường ước đạt 811 nghìn tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, tính đến 27/03/2020, mới chỉ nhập khẩu được hơn 39 nghìn tấn, tương đương khoảng 40% kế hoạch đề ra.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Trường Giang, Phó chi Cục trưởng, Chi cục Thú y Đồng Nai, tại Đồng Nai dẫn chứng: Hiện tổng số lượng đàn heo tại Đồng Nai đạt khoảng hơn 2,1 triệu con, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do dịch tả heo châu Phi khiến lượng đàn bị giảm sút mạnh. Hiện nay, mặc dù người dân cũng đã tiến hành tái đàn, song để có được thịt lợn xuất bán cũng cần phải có thời gian chứ không phải ngày một, ngày hai.
Ngoài ra, một số thương nhân mua lợn thịt của công ty chăn nuôi lớn cũng chia sẻ, bên cạnh giá mua 70.000đ/kg lợn hơi thì người mua phải trả thêm chi phí ngoài hóa đơn khoảng 10% (7.000-8.000đ/kg). Phần chi phí chênh này cũng khiến giá lợn hơi trên thị trường ở mức cao.
Trong quý I/2020, tổng sản lượng thịt cung ứng ra thị trường ước đạt 811 nghìn tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2019 |
Ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT)- cho hay, hiện tại đang mất cân đối nguồn cung. Nguyên nhân do, thời điểm Tết, người dân sử dụng tương đối nhiều thịt lợn, do đó, dù lợn có tương đối nhỏ một chút thì người chăn nuôi vẫn thịt. Giá lại cao, người chăn nuôi muốn nuôi to hơn một chút mới xuất bán, dẫn đến cung thấp hơn cầu. Mặt khác, không phải doanh nghiệp chăn nuôi nào cũng đồng hành với Chính phủ và Bộ NN&PTNT. Có những doanh nghiệp bán chênh lệch nhau 10 giá hoặc có khi cả tuần không xuất chuồng con nào, việc này cũng đang xảy ra ở chỗ người chăn nuôi nhỏ lẻ. “Hiện, tiền mua con giống khoảng 2,5 triệu – 3 triệu/con, nếu nuôi con giống mới thì phải 5- 6 tháng sau mới có sản phẩm. Mà đến thời điểm đó, thì mức giá chắc chắn sẽ không được như hiện nay. Do đó, thay vì xuất chuồng thì họ nuôi thêm khoảng 1- 2 tháng nữa nhằm tăng trọng lượng lợn từ 25- 30 kg, họ sẽ kiếm lời tương đối tốt”, ông Trọng nói.
Mặc dù Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương hết dịch mà đủ điều kiện an toàn sinh học thì ngoài tái đàn thì phải tăng đàn. Tuy nhiên, trên thực tế, đàn lợn trong dân hiện đang rất ít do thời điểm dịch tả lợn châu Phi diễn ra lợn chết nhiều nên việc tái đàn trong nếu không đủ điều kiện người dân cũng rất e ngại. Nguyên nhân do, chi phí con giống rất cao, từ 2,5 triệu – 3 triệu/con, mỗi đàn lợn chỉ 10-20 con thôi cũng đã mất khoản vốn vài chục triệu. Tuy nhiên, ở thời điểm xảy ra dịch thì người chăn nuôi đã cạn kiệt về tài chính nên muốn tái đàn ngay không dễ dàng. Một số địa phương mặc dù hết dịch, nhưng chưa vội vàng công bố hết dịch, mà chưa công bố hết dịch thì không thể tái đàn được.
Đại diện Tập đoàn Masan với chuỗi thịt mát MEATDeli qua chuỗi siêu thị Vinmart, các cửa hàng, đại lý MEATDeli cho hay, trang trại chăn nuôi của Masan hiện tại vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản phẩm gia tăng đột biến của người tiêu dùng. Ngay như trong tuần qua, nhu cầu mua sản phẩm thịt mát MEATDeli của người tiêu dùng tăng gấp 4 - 5 lần nhưng Masan chỉ có thể đáp ứng được 1/4 nhu cầu đó.
Hiện đang có sự so sánh giá thịt lợn ở siêu thị và chợ truyền thống. Các chuyên gia phân tích, có những doanh nghiệp, cửa hàng phân phối chọn phân khúc sản phẩm cao cấp (thịt sạch Meat Deli là một ví dụ). Do đó, việc đánh đồng giá thịt sạch, thịt đông lạnh với thịt ngoài chợ truyền thống thì rất khập khiễng.
Đảm bảo an sinh xã hội để người tiêu dùng có sản phẩm, người chăn nuôi có lợi, giảm chi phí khâu trung gian không phải là việc làm của riêng một doanh nghiệp mà cần có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Chính phủ, Bộ NN&PTNT cần có định hướng để các doanh nghiệp chăn nuôi lớn có thể cùng ngồi lại để bàn phương án hợp tác, phối hợp cùng nhau trong toàn chuỗi cung ứng, giải quyết đồng bộ từ nguồn cung, khâu giết mổ đến đưa sản phẩm ra thị trường, tiến tới giảm thiểu các khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán. Về phía doanh nghiệp, đại diện Masan kiến nghị Bộ NN&PTNT cần có cơ chế để quy hoạch một vùng chăn nuôi để các doanh nghiệp cùng nhau tập hợp lại để cùng đầu tư, gây giống, phát triển đàn lợn ở Việt Nam, nhất là giống lợn quý, tốt. Đây là chìa khóa phát triển bền vững.
Liên quan tới khâu lưu thông, để kiểm soát việc tiểu thương tự ý nâng giá thịt lợn, theo bà Trần Thị Phương Lan – Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội – sáng ngày 3/4 Sở Công Thương đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Cục Quản lý Thị trường Hà Nội phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo bán đúng giá ở các chợ truyền thống, tránh việc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng đề xuất cơ quan chức năng địa phương phối hợp kiểm soát tốt hiện tượng này để đảm bảo cung ứng hàng hóa, cũng như bình ổn giá cả trong giai đoạn dịch bệnh; tuyên truyền cho người dân, nâng cao nhận thức không mua hàng dự trữ.
Nguồn: Báo Công thương