Những ngày qua, trong khi quán ăn, nhà hàng... rơi vào tình cảnh “ế ẩm”, thì thay vào đó là sự gia tăng của các đơn hàng trực tuyến. Chọn các món đồ từ hàng tiêu dùng, sức khỏe đến điện tử, tất cả các thao tác chỉ trong vài phút trên chiếc điện thoại thông minh.
Anh Lý Văn Bình, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là có người giao hàng tận nhà, điều này tiện lợi giúp tôi và gia đình tránh được việc tiếp xúc nơi đông người, nhất là trong giai đoạn mùa dịch Covid-19 hiện nay”.
Trước thực tế dịch chuyển trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng đang tăng cao, theo đại diện các trang thương mại điện tử, lượng giao dịch từ các đơn hàng đối với các mặt hàng thiết yếu tăng đột biến.
Cùng với sự nở rộ của những kênh mua sắm trực tuyến, giao hàng nhanh, người tiêu dùng ngày càng lựa chọn loại hình này vì dễ dàng và tiết kiệm được nhiều thời gian di chuyển. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người tiêu dùng cần phải có thông tin, đặc biệt là có kiến thức nhất định để đặt niềm tin vào các công ty có uy tín, danh tiếng, cơ sở hạ tầng và có dịch vụ hậu mãi tốt nhằm tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ảnh minh họa |
Đánh giá về xu hướng phát triển của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết: “Thương mại điện tử đã sớm du nhập, hiện đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Việt Nam có rất nhiều điều kiện để thương mại điện tử phát triển, như dân số trẻ, quan tâm tới Internet. Ngoài ra các dịch vụ đã có những thuận lợi nhất định, nhất là vấn đề giao hàng tận nơi, ưng ý thì mới chả tiền. Chưa kể dịch bệnh lây lan cũng là cơ hội, động lực để các doanh nghiệp tập trung phát triển mạnh thương mại điện tử”.
Theo Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương: “Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam rất tiềm năng. Việc sử dụng các thiết bị IT, đặc biệt là điện thoại thông minh, cộng với cơ sở hạ tầng về IT cho phép Việt Nam có một nền tảng khả tốt. Trên thực tế, thương mại điện tử đã phát triển khá nhanh trong những năm qua. Việt Nam là một trong những nước phát triển thương mại điện tử nhanh nhất Đông Nam Á. Dịch Covid tác động tiêu cực đến đa số lĩnh vực, tuy nhiên có thể xem nó là chất xúc tác, cú hích cho phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam. Trong chỉ thị của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng lưu ý về việc thúc phát triển đẩy thương mại điện tử. Đây là xu thế của công cuộc chuyển đổi số”.
Để thương mại điện tử được phát triển một cách đồng bộ, hiệu quả ngoài việc chịu sự tác động bởi nhu cầu của thị trường, năng động về kinh doanh, theo các chuyên gia kinh tế, vai trò của Nhà nước là cực kỳ quan trọng trong công cuộc xây dựng cơ sở pháp lý, cộng với cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, vấn đề an ninh mạng và các biện pháp đảm bảo sự việc diễn ra tranh chấp cũng như giảm thiểu, ngăn chặn các vụ lừa đảo xảy ra trong thương mại điện tử.
Còn đối với các doanh nghiệp tham gia bán hàng thương mại điện tử cần bán những sản phẩm chất lượng, có địa chỉ rõ ràng, phát triển các dịch vụ hậu mãi thật tốt. Hơn nữa nên đặt quyền lợi của khách hàng trong quá trình giao nhận. Có thể phát triển mạnh những hình thức ở giữa, hợp đồng mang tính chất bảo lãnh. Các bên nhận phí bảo lãnh phải có trách nhiệm đối với cả hai bên. Đây là hình thức thúc đẩy thương mại điện tử tương lai phát triển.
Nguồn: báo Công thương