Nét mới trên thị trường bán lẻ
Cuối tháng 12/2018, Siêu thị FujiMart - sản phẩm hợp tác của hai tập đoàn danh tiếng là BRG và Sumitomo đã chính thức khai trương tại Việt Nam. Đây là sự cộng hưởng sức mạnh, kinh nghiệm hơn 50 năm trong ngành bán lẻ của Sumitomo, cùng sự am hiểu thị trường sâu sắc từ phía BRG.
Hệ thống bán lẻ đang phát triển mạnh |
Cùng với kênh siêu thị mang đậm dấu ấn Nhật Bản này, các “đại gia” bán lẻ trên thị trường cũng nỗ lực mở rộng hệ thống phân phối. Cụ thể, giữa tháng 11, Tập đoàn Central Group (Thái Lan) đã khai trương Trung tâm thương mại GO! Mỹ Tho tại TP. Mỹ Tho (Tiền Giang). Tập đoàn này cũng từng tuyên bố đổ thêm 500 triệu USD để mở 500 điểm bán lẻ tại Việt Nam trong 5 năm tới.
Về phía các doanh nghiệp bán lẻ nội, hệ thống Saigon Co.op mới đây đã khai trương siêu thị mới tại tỉnh An Giang, nâng tổng số siêu thị Co.op Mart trên toàn quốc lên con số 99. Dự kiến, đến hết năm nay, chuỗi siêu thị này sẽ tiếp tục khai trương thêm 4 - 5 siêu thị Co.opMart và Co.opXtra, 10 cửa hàng thực phẩm Co.op Food tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Theo Công ty khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI), tính đến năm 2017, giá trị thị trường hàng tiêu dùng của Việt Nam vào khoảng 120 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 10% trong giai đoạn 2012 – 2017 và tiếp tục duy trì trong năm 2018. Nền kinh tế này là một trong những thị trường hàng tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất trong các nền kinh tế mới nổi của châu Á - Thái Bình Dương với mức tăng trưởng duy trì ở hai con số từ nay đến năm 2022.
Cần phối hợp tốt hơn với doanh nghiệp sản xuất
Dưới góc nhìn của chuyên gia ngành bán lẻ, ông Vũ Vinh Phú, hệ thống phân phối hiện đại của Việt Nam mới phát triển mạnh tại các thành phố lớn, chiếm khoảng 25% trong tổng kênh phân phối tại Việt Nam nên nhìn chung, dư địa vẫn rất lớn. Cùng với đó, mô hình kinh doanh siêu thị bán lẻ đơn thuần như siêu thị, cửa hàng tiện lợi được đánh giá sẽ tiếp tục “lên ngôi”.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phú, chiết khấu đang là vấn đề khó khăn, cản trở sự phát triển của thị trường bán lẻ. “Thái Lan có nhiều kênh phân phối bán lẻ mạnh, không chỉ có quy mô quốc gia mà có quy mô toàn cầu. Nguyên nhân là họ làm tốt khâu liên kết với doanh nghiệp sản xuất, hộ sản xuất nên có được nguồn hàng ổn định, chất lượng tốt. Nhưng ở Việt Nam, hiện phần chiết khấu lại cho siêu thị quá cao khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất phải bỏ cuộc hoặc chọn kênh phân phối khác” - ông Phú cho hay.
Trên thực tế, thời gian qua, đã có những doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển mạng lưới phân phối song song với thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước và mang sản phẩm sạch đến người tiêu dùng. Phát triển được các chuỗi phối hợp này sẽ tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế, góp phần phát triển mạnh hơn hệ thống siêu thị trong tương lai.
Năm 2010, doanh thu bán lẻ toàn thị trường đạt 88 tỷ USD, 2015 tăng gần gấp đôi với 146 tỷ USD, 2017 hơn 170 tỷ USD và dự kiến với đà này, đến năm 2020 bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng có khả năng đạt 180 tỷ USD. Nguồn: báo Công thương |