Chính phủ vừa ban hành Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Điểm đáng chú ý là Nghị định 95 bổ sung Điều 38a về công thức tính giá cơ sở xăng dầu.
Theo Nghị định, công thức tính giá cơ sở xăng dầu mới được xác định bằng giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu nhân tỷ trọng sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu cộng giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước nhân tỷ trọng sản lượng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước. Trong đó, giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định trên cơ sở yếu tố đầu vào gồm: Giá thế giới, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, mức trích lập Quỹ bình ổn giá, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận kinh doanh định mức, thuế, phí (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng...).
Giá cơ sở được xác định dựa trên các yếu tố hình thành giá tổng hợp từ nguồn xăng dầu sản xuất trong nước, nhập khẩu |
Còn giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước được xác định trên cơ sở giá xăng dầu thế giới cùng Premium (khoản chênh lệch so với giá thế giới, được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng), chi phí định mức tối đa đưa về cảng, thuế tiêu thụ đặc biệt cùng các chi phí thuế, phí khác.
Riêng xăng sinh học (E5, E10...) được tính thêm tỷ lệ % theo thể tích xăng không chì, tỷ lệ % theo thể tích của ethanol được nhập khẩu và mua từ nguồn trong nước theo tỷ lệ nhất định.
Nghị định cũng sửa đổi điều kiện đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu như: Phải có hệ thống phân phối xăng dầu, đơn cử như tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 5 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp; tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân.
Đối với thương nhân đầu mối kinh doanh nhiên liệu hàng không, nghị định quy định không bắt buộc phải có hệ thống phân phối quy định trên nhưng phải đáp ứng thêm một số yêu cầu như phải có phương tiện vận tải, xe tra nạp nhiên liệu, kho tiếp nhận tại sân bay... thuộc sở hữu hoặc thuê từ 5 năm trở lên.
Đáng chú ý, Nghị định mới quy định về chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, theo đó thương nhân có hoạt động sản xuất xăng dầu nếu có nhu cầu chuyển nhượng thì phải được Thủ tướng cho phép. Quy định này được xem là "chặt" hơn so với dự thảo trước đây khi cho phép mở "room" cho nhà đầu tư ngoại lên tới 35%.
Cũng theo Nghị định, thời gian điều hành giá xăng dầu tăng lên 3 lần một tháng (ngày 1, 11 và 21 hàng tháng), mỗi kỳ điều chỉnh giá cách nhau 10 ngày. Các kỳ điều hành trùng ngày nghỉ, ngày lễ thì thời gian điều chỉnh giá lùi sang ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.
Nếu giá các mặt hàng xăng dầu biến động bất thường, ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều chỉnh. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng trên 10% so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc giá biến động ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng sẽ quyết định biện pháp điều hành trên cơ sở báo cáo của Bộ Công Thương.
Nghị định 95/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 2/1/2022.
Tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP, Quỹ bình ổn giá vẫn được duy trì hoạt động, do thương nhân đầu mối có nghĩa vụ trích lập, hạch toán và theo dõi riêng, được vay vốn và sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp để bù đắp cho phần chi sử dụng vượt quỹ Nguồn: Báo Công thương |