Nhiều vi phạm an toàn thực phẩm
Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2018, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã kiểm tra 14.264 vụ, xử lý 8.446 vụ việc vi phạm ATTP, xử phạt vi phạm hành chính hơn 19,5 tỷ đồng, số tang vật thu giữ có trị giá hơn 25,9 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 6.176 vụ vi phạm pháp luật về ATTP, với 5.042 cá nhân, 809 tổ chức vi phạm.
Tăng cường quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm |
Ngoài ra, các cơ quan chức năng đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố 11 vụ,15 bị can về tội "Vi phạm các quy định về ATTP" và một số tội danh khác; xử phạt vi phạm hành chính 5.627 vụ, 4.924 cá nhân, 749 tổ chức, với số tiền xử phạt gần 30 tỷ đồng; đang điều tra, xử lý 184 vụ; buộc tiêu hủy nhiều hàng hóa thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người.
Đặc biệt, những tháng đầu năm 2019, dịch tả lợn châu Phi hoành hành tại nhiều địa phương đã khiến cơ quan chức năng phải dồn toàn lực kiểm tra, kiểm soát. Song song với đó, công tác thông tin truyền thông về ATTP được đẩy mạnh để góp phần củng cố niềm tin của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP còn khá phổ biến, như: Sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn vẫn diễn ra; một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường…
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước
Để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng, ngoài các hoạt động thường xuyên để bảo đảm chất lượng ATTP, Tháng hành động về ATTP là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó, chủ động phòng ngừa ô nhiễm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm... Theo đó, đợt cao điểm này sẽ gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác ATTP; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương với các cơ quan chức năng và đoàn thể chính trị xã hội; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng.
Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội, phương tiện truyền thông… phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về ATTP; các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định và kiến thức khoa học về ATTP; tác hại của thực phẩm không an toàn, giả, kém chất lượng. Đồng thời, giám sát, hướng dẫn các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tuyên truyền, vận động nhân dân tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn đến các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, trong dịp này, Bộ Công Thương cùng với Bộ Y tế, NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 12 tỉnh, thành phố. Việc kiểm tra, đánh giá ATTP năm 2019 sẽ tập trung vào phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền…
Kết thúc đợt thanh tra, kiểm tra, các đoàn thanh tra, kiểm tra nhận xét, đánh giá kết quả việc thực hiện. Từ đó, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước về ATTP từ trung ương đến địa phương.
Việc triển khai kiểm tra Tháng hành động vì ATTP 2019 sẽ được thực hiện đồng loạt trong cả nước từ ngày 15/4 - 15/5/2019. Nguồn: Báo Công thương |