Khi đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị cho chặng cuối cùng của cuộc đua tổng thống năm nay, sau đại hội của đảng Cộng hòa, thì một sự tương phản rõ ràng với chiến dịch tranh cử năm 2016 là sự im lặng của ông về thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump cam kết sẽ cứng rắn hơn nhiều về thương mại với Trung Quốc. Sau khi phát động cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, ông Trump đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào tháng 1. Nhưng thâm hụt thương mại vẫn ở mức cao.
Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc trong năm 2016 là 347 tỷ USD. Đối với năm 2019, con số này chỉ thấp hơn một chút ở mức 345 tỷ USD. Ryan Hass, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Brookings và là cố vấn không chính thức cho chiến dịch tranh cử của ứng viên Joe Biden, cho biết, trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump cam kết đàm phán các thỏa thuận thương mại tốt hơn cho người lao động Mỹ và đề nghị cử tri sử dụng quy mô thâm hụt như một "Thẻ điểm".
Peter Navarro - cố vấn thương mại của Nhà Trắng - cho biết, mức thuế mà ông Trump đánh vào hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đã “giúp giảm đáng kể thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ” và Nhà Trắng sẽ “tiếp tục trấn áp hành vi kinh tế của Trung Quốc”. Ông Navarro cho biết, thâm hụt đã "đạt đỉnh" vào năm 2018 là 418 tỷ USD, khi ông Trump bắt đầu áp thuế và sau đó giảm 18%, tương đương 74 tỷ USD, vào năm 2019. Trong nửa đầu năm 2020, thâm hụt đã giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù một phần là do tác động của đại dịch đối với thương mại toàn cầu.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer sau cuộc điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ngày 25/8 đã lạc quan về việc thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Nhưng không thể phủ nhận rằng thỏa thuận này đang có dấu hiệu yếu đi. 8 tháng sau khi thỏa thuận được ký kết, Trung Quốc đang trên đà bỏ lỡ các mục tiêu trong thỏa thuận, trong đó nói rằng trong hai năm kể từ năm 2020, Trung Quốc sẽ mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ nhiều hơn 200 tỷ USD so với năm 2017, trước khi bắt đầu chiến tranh thương mại.
Theo Viện Kinh tế quốc tế Peterson, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc các sản phẩm nằm trong cam kết lên tới 48,5 tỷ USD, so với mục tiêu theo tỷ lệ hàng năm là 100,7 tỷ USD. Viện Peterson cho rằng mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung đã xấu đi bất chấp thỏa thuận giai đoạn một. Dường như không có cảm giác dịch chuyển trong việc giải quyết các vấn đề cấu trúc rộng lớn hơn.
Một số quan chức chính quyền muốn ông Trump tấn công Trung Quốc về thương mại như một phần của chiến dịch tăng cường về mọi thứ, từ công nghệ và gián điệp kinh tế đến việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông. Các chuyên gia của Viện Chính sách xã hội châu Á đã đặt câu hỏi liệu Mỹ có nên tiếp tục thực hiện thỏa thuận đặc biệt là trước tháng 11 hay không.
Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua cho rằng, chính quyền Tổng thống Trump đã nêu bật những vấn đề mà Mỹ gặp phải với Trung Quốc. Chính quyền đã nhanh chóng có một số thành công, bao gồm việc thuyết phục Anh và các đồng minh khác không sử dụng thiết bị của Huawei, công ty viễn thông Trung Quốc mà Washington cho rằng đã giúp Trung Quốc tham gia hoạt động gián điệp kinh tế.
Tuy nhiên, trong khi ông Trump hy vọng rằng việc cứng rắn với Trung Quốc - và nhóm tranh cử của ông sẽ giúp ông chiến thắng vào tháng 11, có một số dấu hiệu cho thấy công chúng Mỹ có thể cần thêm một số thuyết phục. Một cuộc khảo sát gần đây của Gallup cho thấy, 57% số người được hỏi không tán thành cách ông Trump xử lý các mối quan hệ với Trung Quốc.
Nguồn: Báo Công thương