YênBái - Một mùa Xuân mới đã đến trên những bản làng người Mông Mù Cang Chải. Cùng với nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đời sống của đồng bào Mông nơi đây đã ngày càng được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người Mông Mù Cang Chải đã tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Cũng như nhiều gia đình người Mông ở bản Dế Xu Phình, xã Dế Xu Phình, những ngày này, gia đình ông Vàng Vảng Tủa đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị gà đồi, lợn bản… để đón con cháu về ăn Tết. Các con của ông Tủa đều đã trưởng thành, đang học tập và công tác tại các địa phương trong tỉnh. Đây là dịp để con cháu ông trở về quây quần, đoàn tụ nên ai nấy cũng đều hân hoan, phấn khởi.
Ông Tủa cho biết: "Giờ đây, đồng bào mình được ăn chung một Tết nên ai nấy cũng đều thấy vui vẻ và phấn khởi. Gia đình tôi có nhiều thế hệ cùng chung sống, đến ngày Tết đều gác lại những vất vả, lo toàn thường nhật, kể cho nhau nghe những câu chuyện của cha ông ta từ xa xưa, đồ xôi, giã bánh dày và chia sẻ niềm vui bên mâm cơm ngày Tết. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc to lớn. Cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước nhiều lắm”.
Trước kia, sau khi mùa vụ đã thu hoạch xong, người Mông ở Yên Bái sẽ ăn Tết (thường sớm hơn Tết cổ truyền của cả dân tộc khoảng 1 tháng). Gần chục năm nay, người Mông ở Yên Bái cùng "ăn chung một Tết" với nhân dân cả nước. Đây được coi là một cách mạng làm thay đổi nhận thức về một số hủ tục không còn phù hợp với nếp sống mới hiện nay.
Điều đáng nói là phong tục Tết cổ truyền đậm đà bản sắc lâu đời của đồng bào Mông ở Yên Bái không vì thế mất đi mà ngược lại vẫn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên cho biết: "Cái hay của việc đồng bào Mông ăn chung một Tết với người dân cả nước là để người thân trong gia đình đang công tác tại các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp hay con em đang đi học... có thời gian về sum họp với gia đình. Mặc dù thay đổi thời điểm đón Tết nhưng những nét đẹp văn hóa của đồng bào vẫn được gìn giữ, phát huy”.
Trong ngày Tết, ngoài rượu, thịt, thì bánh dày là thứ không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của gia đình người Mông. Theo quan niệm của đồng bào Mông, bánh dày tượng trưng cho Mặt trăng, Mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài, là biểu tượng sức mạnh của dân tộc. Các nguyên liệu chính để làm bánh dày gồm: Gạo nếp, hạt vừng, lá xôi, lá chuối hoặc lá dong dùng gói bánh. Để chuẩn bị làm bánh dày, gạo nếp phải được ngâm kỹ từ đêm hôm trước. Muốn có được những chiếc bánh dày dẻo, mịn thì xôi cũng phải chín kĩ và bánh phải được giã khi xôi còn nóng hổi. Bánh dày người Mông thường được giã bằng những chiếc chày gỗ trong máng gỗ. Khi đồ xôi làm bánh, lửa phải to và đều. Bánh dày người Mông vừa là biểu tượng của no ấm, vừa là hương vị riêng của đồng bào Mông nơi vùng cao Tây Bắc.
Chị Hảng Thị Chu, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Năm nay, gia đình tôi chuẩn bị 20kg gạo nếp nương để giã bánh dày. Vừa để ăn, vừa để tặng, biếu bạn bè ở dưới xuôi. Đặc biệt, khi họ hàng, bạn bè đến chơi trong ngày Tết, trước khi khách ra về, chúng tôi còn mừng tuổi hai chiếc bánh dày thể hiện tình cảm chân thành, ấm cúng”.
Tết của người Mông đậm đà bản sắc với những tập tục, lễ nghi thể hiện văn hóa truyền thống độc đáo riêng và đề cao tính cộng đồng. Trước khi mặt trời lặn của ngày cuối năm, cả dòng họ sẽ cùng thực hiện lễ đón năm mới (lễ lử-xu). Sau lễ lử-xu, thành viên trong các gia đình trở về nhà để làm lễ thay bàn thờ, một trong những lễ quan trọng nhất vào ngày Tết của người Mông.
Bàn thờ là nơi mỗi gia đình người Mông thờ cúng tổ tiên, thờ ma nhà và luôn được thay mới trong dịp Tết để hạnh phúc, may mắn luôn ngập tràn, gia đình luôn được che chở, phù hộ. Đặc biệt trong ba ngày Tết chính, gia đình nào cũng đốt củi, giữ bếp đỏ lửa liên tục, vừa giữ ấm, vừa xua đuổi tà ma và cầu mong bình an, may mắn.
Trong những ngày này, người Mông chỉ ăn các món bánh và thịt, tuyệt đối không ăn rau. Theo quan niệm của người Mông, không ăn rau để tránh trong năm mới đi làm nương, làm rẫy cỏ mọc nhiều, mùa màng thất thu, chăn nuôi trâu bò không được thuận.
Ngoài những phong tục, tập quán lâu đời, từ mùng 1 đến mùng 3, người Mông tổ chức thăm hỏi, chúc Tết họ hàng, người thân và bạn bè. Sau đó, họ tổ chức vui chơi Tết. Những điệu hát, điệu khèn ngày Tết, những trò chơi dân gian là những hoạt động không thể thiếu trong ngày Tết của đồng bào Mông, giúp họ quên hết những vất vả của năm cũ, đón chờ những niềm vui, niềm hạnh phúc trong năm mới.
Một mùa Xuân mới đã đến trên những bản làng người Mông Mù Cang Chải. Cùng với nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đời sống của đồng bào Mông nơi đây đã ngày càng được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người Mông Mù Cang Chải đã tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Những nét văn hóa đặc sắc riêng của đồng bào Mông vẫn được gìn giữ và duy trì, thể hiện rõ nhất trong việc đón Tết và những lễ hội đầu xuân với mong muốn đón năm mới 2023 nhiều thành công mới.
Nguồn: Báo Yên Bái