Bạn đang ở đây

Tăng cường rà soát các quy định

02/08/2019 10:17:51
tang cuong ra soat cac quy dinh

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm

Theo Ths. Vũ Hoàng Minh - Chuyên gia đánh giá trưởng Trung tâm Chứng nhận phù hợp QUACERT (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), tại Việt Nam, Luật ATTP đã được Quốc hội thông qua năm 2010, với mục tiêu giải quyết các mối quan tâm quốc gia đang ngày càng gia tăng về nguy cơ mất ATTP và các vấn đề tác động tới thương mại cũng như sức khỏe con người. Luật này phân rõ trách nhiệm quản lý ATTP cho 3 bộ liên quan: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm đối với một số sản phẩm và thị trường bán lẻ thực phẩm, bao gồm các chợ và siêu thị. Bộ Y tế, thông qua Cục ATTP, chịu trách nhiệm chung về ATTP ở Việt Nam và trách nhiệm riêng đối với một số mặt hàng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm và nguyên liệu đóng gói. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm ATTP đối với các sản phẩm nông - lâm nghiệp và thủy sản trong chuỗi cung cấp thực phẩm.

Các chuyên gia nhận định, pháp luật ATTP nói chung đã có bước tiến vượt bậc trong việc phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành đối với hoạt động quản lý ATTP trên thị trường. Trên cơ sở phân công, phân cấp cho các lực lượng chức năng, ban, ngành, tạo được sức mạnh tổng hợp, bảo đảm ATTP; xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn về thực phẩm, tạo điều kiện cho DN, cơ quan quản lý nhà nước áp dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng như kiểm soát ATTP...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hệ thống pháp luật về ATTP còn tồn tại những bất cập, đó là hệ thống các quy định về quản lý chất lượng ATTP còn gây khó khăn khi áp dụng trên thực tế. Trong các văn bản quy phạm pháp luật còn có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo. Luật ATTP năm 2010 đã hình thành hệ thống tổ chức quản lý ATTP từ trung ương tới tỉnh, huyện và xã/phường/thị trấn. Song, trên thực tế, một số ngành hàng đang có sự đan xen và không phân định rõ trách nhiệm quản lý. Điều này đã gây khó khăn cho DN, cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTP vẫn còn thiếu; một số tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được ban hành đã lạc hậu nhưng chưa được sửa đổi... Chính sự bất cập này khiến nhiều DN thực phẩm ghi lên nhãn hàng hóa các số liệu khác xa với thực tế sản xuất mà không có một chế tài kiểm soát nào.

Để bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng cũng như tạo điều kiện cho DN kinh doanh dịch vụ, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát các quy định về bảo đảm ATTP; sửa đổi một số điều của pháp luật có liên quan đến hoạt động kiểm soát ATTP để đồng bộ, thống nhất; xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn về ATTP theo chuẩn quốc tế và đặc thù của Việt Nam.

Thống kê của Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, đến đầu năm 2019, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về thực phẩm có khoảng 1.700 tiêu chuẩn hiện hành, chiếm khoảng 15% tổng số tiêu chuẩn quốc gia.

Nguồn: Báo Công thương