Ba tháng sau khi chính quyền Donald Trump từ chối ủng hộ, cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria Ngozi Okonjo-Iweala đã nhận được sự đồng thuận để trở thành người phụ nữ đầu tiên và là Tổng giám đốc gốc Phi đầu tiên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
"Cải cách những điều không thể cải cách"
Tổ chức WTO 26 tuổi mà bà Okonjo-Iweala được kế thừa sau khoảng trống lãnh đạo 6 tháng bị tê liệt một phần do chính quyền Trump đã ngăn cản việc bổ nhiệm thẩm phán của cơ quan phúc thẩm, đóng vai trò là trọng tài toàn cầu về các tranh chấp thương mại. Nhưng ngay cả trước thời Trump, các nhà đàm phán đã phải vật lộn để đạt được thỏa thuận, với Mỹ và những thành viên WTO phát triển khác cho rằng, các nước đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc, không thể bám vào các ngoại lệ và quy tắc cần phải thay đổi để phản ánh sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Bà Okonjo-Iweala từng là đặc phái viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về Covid-19 và gần đây là chủ tịch hội đồng quản trị liên minh vắc xin toàn cầu Gavi, đã mong muốn xây dựng một khuôn khổ về ứng phó với đại dịch. Tổng giám đốc WHO đã gọi bà là "người đứng đầu hoàn hảo của WTO".
Bà Ngozi Okonjo-Iweala - Tân Tổng giám đốc WTO |
WTO đang gặp bế tắc về vấn đề từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với thuốc Covid-19, bị nhiều nước giàu có phản đối. Đứng đầu trong danh sách việc cần làm cũng sẽ là trợ cấp thủy sản, chủ đề của các cuộc đàm phán đa phương chính mà WTO đã bỏ lỡ thời hạn kết thúc vào cuối năm 2020. Nhìn bề ngoài, nhiệm vụ của WTO tương đối hạn chế: Đưa ra và thực thi các quy tắc về thương mại toàn cầu, giải quyết các vấn đề khi chúng phát sinh. Nhưng bà Ngozi Okonjo-Iweala có nhiều mục tiêu cao hơn cho tổ chức này khi nhấn mạnh, thương mại toàn cầu có thể giúp xoa dịu đại dịch Covid-19, giải quyết biến đổi khí hậu và khôi phục niềm tin vào hệ thống hợp tác đã bị chùn bước trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để đưa WTO trở thành nơi có thể thực thi chương trình nghị sự đó thì cần thực hiện một số ưu tiên. Cách duy nhất để đưa WTO trở lại hoạt động là xây dựng lại thể chế và WTO cần cải cách sâu rộng, nghiêm túc. Sau kết quả bổ nhiệm ngày 15/2, bà Okonjo-Iweala đã thể hiện quyết tâm cao khi nói về những thách thức phía trước, rằng kinh nghiệm khắc phục các thể chế ở Nigeria có thể được áp dụng cho WTO hiện nay, đó là "Cải cách những điều không thể cải cách".
Chông gai từ bước đầu tiên
Bà Okonjo-Iweala bước vào WTO là một quá trình dài và quanh co. Người đứng đầu trước đó đã từ chức vào tháng 8/2020 và đã nổi lên như một ứng viên được lựa chọn vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, chính quyền Trump đã phủ quyết việc lựa chọn này. Đến ngày 5/2 năm nay, sau sự rút lui của ứng viên Hàn Quốc, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ và mở đường cho bà Okonjo-Iweala trở thành Tổng giám đốc tiếp theo của WTO.
Việc dọn dẹp đống lộn xộn trước mắt do chính quyền Trump để lại sẽ là yếu tố quan trọng trong chương trình nghị sự của bà Okonjo-Iweala. Cơ quan phúc thẩm của WTO đã không thể ra phán quyết về các tranh chấp thương mại, và bà Okonjo-Iweala cho biết thời điểm đã chín muồi để thay đổi. Hệ thống giải quyết tranh chấp cần được quan tâm và cải cách để tất cả các thành viên lớn nhỏ đều tin tưởng vào hệ thống, có thể sử dụng nó. Nhưng bà Okonjo-Iweala đang nhìn xa hơn khi xem xét cách khôi phục niềm tin vào WTO. Nhiều quốc gia tuân theo quy định của WTO ngày nay đã nằm dưới chế độ thuộc địa khi hệ thống tài chính quốc tế hiện tại được thiết lập sau Thế chiến II. Bản thân chủ nghĩa đa phương đã bị thoái trào trong một thời gian và gia tăng trong 4 năm qua. Điều này có nghĩa, phải tìm cách đảm bảo các nước đang phát triển nhỏ được hưởng lợi nhiều nhất từ thương mại toàn cầu như các nước giàu hơn và cần một sân chơi bình đẳng.
4 thách thức lớn
Việc bổ nhiệm bà Okonjo-Iweala đã được hoan nghênh rộng rãi, nhưng những thử thách đầy chông gai vẫn còn khi đặt ở giữa vòng xoáy tranh chấp toàn cầu. Để thành công đòi hỏi bà Okonjo-Iweala phải làm cầu nối cho một số chia rẽ lớn nhất trong địa chính trị thế kỷ 21, mà trước hết là 4 thách thức lớn cần giải quyết:
Hồi sinh hội nghị bộ trưởng WTO: Cơ quan ra quyết định hàng đầu của WTO họp hai năm một lần, thường vào cuối năm. Nhiều quốc gia sử dụng cơ chế này như một thời hạn cuối cùng để thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại tiến lên. Sau hội nghị tháng 12/2017 ở Buenos Aires, cuộc họp tiếp theo lẽ ra phải diễn ra ở Nur-Sultan vào tháng 6/ 2020 đã được lùi lại 6 tháng để tránh mùa Đông khắc nghiệt ở thủ đô của Kazakhstan. Nhưng đại dịch Covid-19 đã buộc hội nghị này hoãn lại vô thời hạn. Bà Okonjo-Iweala muốn cuộc họp được tổ chức trước cuối năm nay, nhưng 164 quốc gia thành viên của WTO sẽ phải đạt được sự đồng thuận về thời gian và địa điểm, rất có thể là trong cuộc họp đại hội đồng WTO vào ngày 1-2/3 tới.
Khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ: Trong nhiều năm, WTO hầu như không đạt được tiến bộ nào đối với các hiệp định thương mại quốc tế lớn. Các cuộc đàm phán về trợ cấp bông và đánh bắt cá đang bị đình trệ, trong khi các cuộc đàm phán khác như thương mại điện tử được khởi động vào tháng 1/2019 cũng đang vật lộn để đạt được kết quả, tất cả đều có nguy cơ khiến WTO giống như một tổ chức bị mắc kẹt trong các vấn đề của năm cũ. Bà Okonjo-Iweala đã nêu ra những vấn đề về môi trường và coi cuộc đàm phán về trợ cấp thủy sản là một trong những ưu tiên trước mắt để chứng tỏ WTO vẫn có thể tạo ra thành tựu. Người tiền nhiệm của bà là cựu Tổng giám đốc Roberto Azevedo đã bất lực khi chứng kiến sự căng thẳng thương mại giữa Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Washington và Brussels đang thúc giục WTO xem xét lại địa vị nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc trong tổ chức này…
Sửa chữa hệ thống giải quyết tranh chấp: Bà Okonjo-Iweala hy vọng giải quyết được vấn đề này trước hội nghị cấp bộ trưởng tiếp theo. Những chỉ trích của Mỹ đối với tòa phúc thẩm có trước cựu Tổng thống Donald Trump và chính quyền Trump đã cáo buộc cơ quan này vượt quá quyền hạn của mình khi đưa ra các phán quyết mà họ cho là vi phạm chủ quyền quốc gia. Để vực dậy WTO, việc sửa chữa hệ thống giải quyết tranh chấp là khẩn thiết hiện nay đối với tân Tổng giám đốc của tổ chức thương mại toàn cầu.
Đối phó với đại dịch: Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã bộc lộ sự chia rẽ tại WTO, các thành viên bất đồng về đề xuất miễn quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin và phương pháp điều trị Covid do Ấn Độ và Nam Phi đưa ra được hàng trăm quốc gia ủng hộ. Bà Okonjo-Iweala cần phải giải quyết vấn đề này nhanh chóng.
Dựa trên 25 năm kinh nghiệm với tư cách là nhà kinh tế phát triển tại Ngân hàng Thế giới và là chủ tịch của liên minh vắc xin Gavi từ năm 2016, nhà lãnh đạo mới của WTO cũng muốn thấy các nước đang phát triển tự sản xuất nhiều loại thuốc chống Covid hơn để khắc phục tình trạng thiếu hụt.
Nguồn: Báo Công thương