Nhập siêu quay trở lại
Theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, tháng 2, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 28,58 tỷ USD, giảm 34,1% so với tháng trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 13,91 tỷ USD, giảm 37% và trị giá nhập khẩu đạt 14,67 tỷ USD, giảm 31%.
Nhập siêu nhẹ trong 2 tháng đầu năm |
Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm trên chủ yếu do số ngày làm việc trong tháng 2 ít hơn hẳn 8 ngày so với tháng 1. Tuy nhiên, so với tháng 2 năm trước thì tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước vẫn tăng nhẹ 0,6%. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 2 đã thâm hụt 768 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2019, cán cân thương mại hàng hóa của nước ta bị mất cân bằng nhẹ với con số thâm hụt 64 triệu USD.
Trong 2 tháng đầu năm, doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước với con số nhập siêu lên tới gần 3,83 tỷ USD, trong khi đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 3,77 tỷ USD. Tuy nhiên, một điểm sáng là lũy kế hết tháng 2 tốc độ tăng xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục cao hơn tốc độ tăng của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nếu những năm trước đây, doanh nghiệp FDI luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn doanh nghiệp trong nước, thì từ năm 2018, đã có sự thay đổi khi doanh nghiệp trong nước vượt doanh nghiệp FDI và xu hướng này tiếp tục duy trì trong 2 tháng đầu năm 2019.
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt 26,15 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất nhập khẩu của khu vực FDI đạt 46,14 tỷ USD chỉ tăng 2,6%.
Quyết liệt cho mục tiêu tăng trưởng
Trong năm 2019, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đưa tăng trưởng xuất khẩu đạt từ 7-8%. Hoàn thành mục tiêu này, ngành Công Thương sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp trọng điểm như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bộ cũng sẽ tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân nhận diện cơ hội và thách thức của Hiệp định CPTPP và các FTA song phương. Mới đây, Bộ Công Thương đã liên tục tổ chức các buổi phổ biến kiến thức về xuất xứ hàng hóa trong CPTPP cho doanh nghiệp hai miền tại Hải Dương và TP Hồ Chí Minh, được doanh nghiệp đánh giá cao.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, Bộ Công Thương cũng chủ trương đẩy mạnh, đổi mới khâu xúc tiến thương mại. Mới đây, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã công bố kế hoạch hợp tác đưa các doanh nghiệp Việt Nam lên nền tảng của "người khổng lồ" thương mại điện tử Amazon thông qua chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon - Amazon Global Selling; tiếp tục các giải pháp đưa hàng hóa Việt Nam vào kênh phân phối nước ngoài như AEON với mục tiêu xuất khẩu 500 triệu USD và năm 2020 và 1 tỷ USD vào năm 2025.
Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Bên cạnh đó, nhằm phát triển thị trường xuất khẩu, mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống cũng như tại các thị trường là đối tác của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh để xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường theo từng giai đoạn cụ thể.
Về phía doanh nghiệp, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần nắm rõ về khung pháp lý của thị trường và các rào cản kỹ thuật để chủ động hơn trong xuất khẩu; đặc biệt là khi Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực thực hiện.
Theo các chuyên gia, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thực thi từ đầu năm nay và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến sẽ được thông qua trong năm nay, điều này đang mở ra triển vọng cho xuất khẩu năm 2019.
Nhận định về Hiệp định CPTPP và EVFTA, PGS.TS Phạm Tất Thắng - Nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết năm 2018 Việt Nam đã xuất khẩu 36,8 tỷ USD sang các nước tham gia CPTPP, Việt Nam cũng xuất siêu sang EU. Đây là hai thị trường lớn và tiềm năng của Việt Nam. Do đó, Việc tham gia CPTPP là một trong những tiêu chí để Việt Nam điều chỉnh thể chế và môi trường kinh doanh. Điều này cũng đã được Chính phủ quyết tâm thực hiện. Đối với EVFTA, khi Hiệp định này nếu được thông qua, hàng Việt Nam sẽ vào được thị trường rộng lớn và khó tính nhất, góp phần quan trọng cho xuất khẩu năm 2019.
Nguồn: Báo Công thương