Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83) được Bộ Công Thương xây dựng, trình Chính phủ ban hành có nhiều điểm thay đổi đáng chú ý. Trong đó, xác định kinh doanh xăng dầu là hoạt động kinh doanh có điều kiện, tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp (DN); hài hòa lợi ích DN, người tiêu dùng và tránh làm lãng phí các nguồn lực.
Giới hạn chuyển nhượng cổ phần 35%
Tại tờ trình của Bộ Công Thương gửi Chính phủ mới đây về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83 chỉ rõ, thực tế hiện nay, sau quá trình cổ phần hóa, nhằm thu hút nguồn vốn để nâng cao năng lực tài chính đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhiều DN xăng dầu đã thu hút được nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tuy nhiên, do chưa có quy định chính thức và cụ thể về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, các DN trong nước cũng như các cơ quan quản lý nhà nước rất lúng túng trong quá trình thương thảo đầu tư, phát hành tăng vốn. Đặc biệt, thiếu đồng nhất về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của đối tượng này khi DN niêm yết trên sàn chứng khoán… Bên cạnh đó, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, an ninh năng lượng. Nghị định 83 sửa đổi đã quy định giới hạn chuyển nhượng cổ phần ở mức 35%, vừa giải quyết được thu hút vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị DN; vừa giới hạn được mức độ can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN trong nước.
Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh sát diễn biến giá thế giới |
Không bỏ giá cơ sở và Quỹ Bình ổn giá
Một số DN kinh doanh xăng dầu từng kiến nghị bỏ giá cơ sở, không dùng giá cơ sở làm căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ như hiện nay mà chỉ là tiêu chí để DN tham khảo trước khi quyết định giá bán lẻ. Bên cạnh đó, kiến nghị bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu để hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung giá thế giới.
Tuy nhiên, trong lần sửa đổi này, Bộ Công Thương nêu rõ, do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, có tính đặc thù nên giá bán lẻ trong nước sẽ được điều tiết thông qua giá cơ sở để hạn chế tối đa những phát sinh tiêu cực ảnh hưởng đến người dân, DN và công tác điều hành kinh tế vĩ mô của nhà nước. Bên cạnh đó, hiện, cơ cấu nguồn cung xăng dầu gồm 70 - 80% là nguồn trong nước, còn lại nhập khẩu. Do đó, Dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung công thức tính giá cơ sở được kết cấu từ nguồn nhập khẩu và trong nước theo tỷ trọng tiêu thụ thực tế.
Tương tự, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là công cụ để nhà nước điều tiết giá bán xăng dầu trong nước. Vì vậy, nếu bỏ quỹ, nhà nước sẽ không còn công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà nước, DN và người tiêu dùng. Do đó, Bộ Công Thương đề xuất, không bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu. Để tăng cường hơn tính công khai, minh bạch và trách nhiệm của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc thực hiện trích lập, sử dụng và quản lý số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đã quy định rõ, chặt chẽ hơn cơ chế báo cáo, theo dõi, trách nhiệm công bố công khai số dư Quỹ Bình ổn giá; cách tính lãi suất đối với số tiền quỹ gửi tại các ngân hàng thương mại, lãi suất vay ngân hàng khi Quỹ Bình ổn giá âm…
Sửa quy định về chu kỳ điều chỉnh giá
Cũng theo tờ trình của Bộ Công Thương, thời gian qua, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh khiến giá xăng dầu biến động bất thường nên quy định 15 ngày điều chỉnh giá một lần khiến giá trong nước không theo kịp diễn biến thế giới. Do đó, tờ trình của Bộ Công Thương nêu ra 2 phương án điều chỉnh giá. Phương án 1, giữ nguyên chu kỳ điều hành là 15 ngày; đồng thời, bổ sung quy định trong trường hợp giá cơ sở biến động lớn, bất thường, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định thời gian điều hành giá cụ thể cho chu kỳ đó. Phương án 2, rút ngắn chu kỳ điều hành từ 15 ngày xuống còn 10 ngày; bổ sung quy định trong trường hợp giá cơ sở biến động lớn, bất thường, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định thời gian điều hành giá cụ thể cho chu kỳ đó. Ban soạn thảo nghiêng về phương án 2.
Với quy định về thời gian dự trữ xăng dầu, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án: Thứ nhất, giảm dự trữ lưu thông bắt buộc từ 30 ngày xuống 20 ngày; thứ hai, giữ nguyên quy định dự trữ 30 ngày. Đồng thời, dự thảo bổ sung thêm yêu cầu thương nhân phân phối xăng dầu phải đảm bảo dự trữ bắt buộc tối thiểu 5 ngày. Ban soạn thảo nghiêng về phương án Nguồn: Báo Công thương |