Để kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới” nhiều doanh nghiệp Việt đang tích cực số hóa kênh phân phối truyền thống nhằm tạo đột phá, giữ chân khách hàng và tăng doanh thu trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc.
Kinh doanh online - Điểm sáng của bán lẻ
Từ đầu năm tới nay, kênh mua sắm online được cho là đã có bước đột phá mạnh mẽ dưới tác động của dịch Covid-19. Bà Võ Thị Phương Mai, Phó Giám đốc - Trưởng Bộ phận dịch vụ Mặt bằng bán lẻ của CBRE Việt Nam - nhận định, thương mại điện tử là một điểm sáng làm thay đổi xu hướng phát triển của thị trường bán lẻ nhằm hỗ trợ việc kinh doanh liên tục ở các cửa hàng truyền thống trong thời gian dịch bệnh bùng phát, đồng thời giúp cho khả năng bán hàng đa kênh sẽ linh hoạt và vượt trội hơn trong thời gian tới.
Người tiêu dùng chọn kênh mua sắm online nhiều hơn trong mùa dịch |
Ghi nhận thực tế từ các sàn thương mại điện tử, bán lẻ cho thấy, Tiki phát triển với tốc độ nhanh nhất và đạt kỷ lục 4.000 đơn hàng/ phút, SpeedL và Saigon Co.op có sự gia tăng theo cấp số nhân trong kênh bán hàng trực tuyến. Đây được đánh giá là điểm sáng của kinh doanh bán lẻ trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Bà Vũ Thị Nhật Linh - Phó Tổng giám đốc quản lý Tiki.vn - chia sẻ, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy thời gian khách hàng ở lại trên trang tăng 20% so với thời điểm trước dịch bệnh và hiện tại, tình trạng này vẫn được duy trì. Nhu cầu tìm kiếm thông tin của khách hàng trên trang cũng nhiều hơn, các hành vi ấy đã dần hình thành như thói quen nơi người tiêu dùng.
Có thể thấy, trước đây dự báo kênh thương mại điện tử (e-commerce) tăng gấp đôi 200%, nhưng chỉ hai tháng diễn ra dịch bệnh vừa qua đã tăng gấp 4 lần (400%). Điều này khẳng định rằng trong sức ép của đại dịch, khách hàng thay đổi thói quen mua sắm rất nhanh, nên DN không thay đổi thì không theo kịp.
DN kịp thời nắm bắt
Nhận thấy tầm quan trọng của thương mại điện tử, nhiều DN vốn chỉ chú trọng vào kênh truyền thống thì trong mấy tháng qua đã đầu tư hơn vào kênh bán hàng này. Ông Lê Trí Thông - Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) - cho biết: Kênh phân phối của PNJ trước đây luôn cần có sự trải nghiệm thực tế của khách hàng nên kênh truyền thống đóng vai trò chủ yếu. Do dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên chúng tôi quan tâm đến kênh trực tuyến. Sau đó, PNJ đã chuẩn bị cho kênh online trong dịp mua sắm nhân Ngày tình yêu (14/2), đến Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3), kênh online của PNJ đã tăng trưởng nhanh vì khách hàng không đi đến cửa hàng do lo ngại nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Nhìn chung, hoạt động kinh doanh trực tuyến của chúng tôi đã thay đổi, ví dụ như chúng tôi bổ sung thêm trung tâm xử lý đơn hàng trực tuyến tại các khu vực khác nhau. Về mặt tổ chức cũng có sự thay đổi.
Bà Phan Bích Tâm - Giám đốc quốc gia của Hiệp hội Mobile Marketing - cho rằng: Người tiêu dùng đã có sự thay đổi về tương tác, sử dụng các công cụ trực tuyến. Người tiêu dùng mua sắm online nhiều hơn, đặc biệt các mặt hàng nhu yếu phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe... “Việt Nam có cơ hội lớn trong tương lai về phát triển các hoạt động kinh doanh và dịch vụ trực tuyến. Có thể, trong tương lai còn xuất hiện các dịch vụ tư vấn online”, bà Tâm dự báo.
Vậy các nhãn hàng nên thay đổi như thế nào để thích ứng với xu hướng này? Nhiều ý kiến cho rằng, tiếp thị số (digital makerting) đóng vai trò rất quan trọng đối với các nhãn hàng tại thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Bởi lẽ với những sản phẩm thiết yếu thì nhu cầu vẫn có song với những sản phẩm không thiết yếu như nội thất, thời trang, trang sức… thì phải có hướng tiếp cận phù hợp.
Đơn cử như PNJ, ông Lê Trí Thông thừa nhận, trang sức không phải sản phẩm thiết yếu, nên vấn đề đặt ra là đổi chiến thuật, cách làm marketing. Nếu như trước đây xu hướng tiếp thị là tạo ra sản phẩm “bom tấn”, tạo sức ảnh hưởng thì giờ phải chuyển sang “bắn tỉa”, ngắm rõ mục tiêu hơn. Trong dịch bệnh thì sức mua trang sức giảm, nhưng ở phân khúc khác thì vẫn có khách hàng. “Điều quan trọng là doanh nghiệp phải đọc được hành vi mua sắm của khách hàng. Trước đây là câu chuyện chung, giờ chúng ta phải tìm ra câu chuyện riêng và nói đúng thời điểm, sử dụng digital marketing để tạo ra hiệu quả cao hơn, thông điệp tiếp thị lúc này phải “sắc sảo” hơn”, ông Thông nói.
Bà Phan Bích Tâm, Giám đốc quốc gia của Hiệp hội Mobile Marketing: Người tiêu dùng ở đâu thì DN nên đuổi theo để giành cơ hội. Kết hợp offline và online để tối ưu hóa. Xu hướng mới trên thế giới là tiếp thị số (digital marketing), nếu DN không tận dụng hiệu quả sẽ đánh mất cơ hội và đứng sau đối thủ. Trong quá trình kết hợp giữa kênh offline và kênh online thì điều quan trọng là quản lý dữ liệu khách hàng, hiểu khách hàng để tận dụng khách hàng. Nguồn: Báo Công thương |