Ngày 6/4, Sở Công thương Yên Bái tổ chức Hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản trên địa bàn huyện Lục Yên với sự tham gia của 15 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn cùng lãnh đạo một số sở, ngành. Đồng chí Ngô Hạnh Phúc – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo Hội nghị.
|
Đồng chí Ngô Hạnh Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị |
Theo báo cáo của Sở Công thương, hiện nay trên địa bàn huyện Lục Yên, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đã cấp 38 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực cho 37 tổ chức, doanh nghiệp với tổng diện tích được cấp phép 650,93ha; tổng công suất khai thác các loại khoáng sản 2.850.107 m3/năm và 11.183.727 tấn/năm.
Trong số 38 mỏ được cấp phép khai thác có 28 mỏ đang khai thác (đá hoa trắng 18 mỏ, than 01 mỏ, cát sỏi 04 mỏ, đá làm vật liệu xây dựng 05 mỏ); đang xây dựng cơ bản chưa có sản phẩm 02 mỏ (đá hoa trắng); chưa hoạt động khai thác 04 mỏ (đá hoa trắng 02, cát sỏi 02); tạm dừng hoạt động khai thác 04 mỏ (đá hoa trắng).
Trên địa bàn huyện có tổng số 26 nhà máy chế biến đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 10 nhà máy chế biến đá hoa trắng đang hoạt động sản xuất tương đối ổn định, sản phẩm chế biến chủ yếu là đá xẻ các kích thước, đá bột, đá hạt và sản phẩm đá thủ công, mỹ nghệ; 01 nhà máy chế biến đá xẻ đang tạm dừng hoạt động; 15 dự án nhà máy chế biến đá hoa trắng chưa triển khai xây dựng.
3 tháng đầu năm 2024, sản lượng khai thác, chế biến đá block ước đạt 16.271 m3, bằng 20% kế hoạch; đá xẻ ước đạt 140.837m3, bằng 21,7% kế hoạch; đá bột, hạt ước đạt 13.515 tấn, bằng 45% kế hoạch; than nâu ước đạt 3.325 tấn, bằng 33% kế hoạch; đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường ước đạt 62.689m3, bằng 26% kế hoạch.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã trao đổi, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh như: việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ảnh hưởng do khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; chất lượng và trữ lượng khoáng sản thực tế khác xa so với trữ lượng địa chất đã được phê duyệt; khó khăn do không bố trí được bãi đổ thải đúng thiết kế tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn; khó khăn trong việc đảm bảo hành lang an toàn của mỏ do địa phương vẫn bố trí quỹ đất ở vào những khu vực nằm trong bán kính không an toàn nổ mìn; việc điều chỉnh lại hệ thống khai thác do diện tích khai thác đã đến cận biên giới mỏ và một số mỏ đã đến cốt sâu khai thác; thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên thiên nhiên ngày càng tăng cao dẫn đến giá thành nguyên liệu đưa vào chế biến tăng theo …
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc và lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã tiếp thu và trực tiếp giải đáp các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động cần tuân thủ, thực hiện tốt các quy định của pháp luật như: cần phải có hợp đồng thuê đất, giấy phép môi trường; nộp đầy đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, khai thác đúng quy mô được cấp, thực hiện tốt công tác quản lý an toàn trong khai thác mỏ…
Đối với kiến nghị về giảm thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên, và đề xuất xuất khẩu một số tài nguyên phát sinh mới của doanh nghiệp, UBND tỉnh tiếp tục tiếp thu, tổng hợp để trình cấp trên có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, tỉnh luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, trong đó, thời gian tới sẽ tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; đồng thời đê nghị huyện Lục Yên tiếp tục lắng nghe những chia sẻ, nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ.
Trước đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành đã thăm, kiểm tra thực tế, nắm bắt những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại 3 doanh nghiệp khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản trên địa bàn huyện Lục Yên gồm: Công ty cổ phần Stone Base Việt Nam, Công ty TNHH Đá cẩm thạch RK Việt Nam và Công ty cổ phần Khai khoáng Thanh Sơn.
Nguồn: Báo Yên Bái