Bạn đang ở đây

Siết thuế thu nhập từ kinh doanh online: Còn nhiều thách thức

03/03/2023 08:41:51

Với việc nắm thông tin 53.000 người bán hàng qua các sàn thương mại điện tử sẽ giúp cơ quan thuế siết thuế thu nhập. Song, thực tế còn nhiều thách thức.

Không tự giác đăng ký, khai và nộp thuế

Với sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok, bên cạnh việc phát triển thương mại điện tử, ngoài các tổ chức đăng ký kinh doanh thì cá nhân bán hàng online trên mạng cũng nở rộ. Theo đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần siết chặt thuế thu nhập từ hoạt động này.

Tuy nhiên, hiện ngoài những cá nhân kinh doanh online tuân thủ Thông tư 40 của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 1/8/2021 về cung cấp thông tin, đăng ký kinh doanh, tài khoản… để ngành Thuế kiểm tra và thu thuế, thì còn có hộ kinh doanh trên mạng xã hội có thể do không biết quy định nên không đăng ký hoặc có những trường hợp biết nhưng cố tình “né”.

Bởi thực tế, với việc lập các trang bán hàng quá dễ dàng thông qua nhiều kênh thì việc “né” sự kiểm soát của các cơ quan chức năng là dễ hiểu. Trong khi, có những người doanh số bán hàng và lãi trong tháng khá lớn như những cá nhân kinh doanh các sản phẩm làm đẹp như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồ chơi…

Siết thuế thu nhập từ kinh doanh online: Còn nhiều thách thức
Thương mại điện tử Việt Nam được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục phát triển bứt phá trong những năm tới.

 

Đề cập đến những thách thức đối với công tác quản lý thuế dẫn đến thất thu thuế trong thương mại điện tử hiện nay, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chỉ ra một số nguyên nhân. Thứ nhất, thương mại điện tử khác với mô hình kinh doanh truyền thống là việc khó kiểm soát trụ sở kinh doanh vật lý của người bán, người bán có thể dễ dàng đăng tải thông tin hàng hóa dịch vụ qua sàn giao dịch thương mại điện tử hay mạng xã hội một cách dễ dàng và thay đổi những thông tin này mà không cần có trụ sở kinh doanh cụ thể.

Chính đặc thù này là thách thức đầu tiên cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, bởi lẽ về lý thuyết, muốn thu được thuế thì trước hết phải xác định được đối tượng nộp thuế với danh tính, địa điểm rõ ràng.

Bên cạnh đó, thương mại điện tử sử dụng phương thức giao dịch điện tử, khi lịch sử của giao dịch bị xóa, việc khôi phục giao dịch là thách thức không nhỏ với cơ quan quản lý thuế khi có hàng triệu thông tin về giao dịch được truyền tải trong mỗi giây. Ngoài ra, phương thức thanh toán đa dạng trên môi trường điện tử cũng là trở ngại với đơn vị quản lý thuế.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Bình Minh - đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử cho hay, một trong những khó khăn trong việc truy thu thuế là vì nhiều người kinh doanh thương mại điện tử thường không tự giác đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế. Bên cạnh đó, giao dịch bán hàng online nhưng thanh toán qua hình thức COD rất nhiều. Song, cơ quan thuế không thể nắm được giá trị giao dịch qua hình thức này. Và dù đã có quy định nhưng khi cơ quan thuế yêu cầu cung cấp thông tin thì nhiều đơn vị viện lý do bảo vệ thông tin khách hàng theo quy định của Luật tín dụng, Luật bưu chính viễn thông...

Ngoài ra, bên cạnh ý thức tuân thủ chưa cao, còn có nguyên nhân ngưỡng doanh thu chịu thuế 100 triệu đồng hiện không còn hợp lý, vì ngưỡng 100 triệu đồng/năm đã áp dụng hơn 8 năm qua và so với mặt bằng giá cả hiện nay là quá thấp.

Theo quy định hiện nay, hộ kinh doanh nói chung, người bán hàng online nói riêng có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì được miễn thuế, nhưng nếu doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì sẽ phải nộp thuế trên toàn bộ doanh thu với mức 1,5% (gồm thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng), không được trừ chi phí hay giảm trừ gia cảnh. Do đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, nên nâng ngưỡng doanh thu bắt đầu chịu thuế lên ít nhất gấp đôi hiện nay hoặc chỉ tính trên phần vượt ngưỡng thay vì trên toàn bộ.

Tăng cường siết chặt chống thất thu thuế

Để siết chặt thuế thu nhập từ hoạt động kinh doanh online, mới đây 258 sàn thương mại điện tử đã cung cấp thông tin cho Tổng cục Thuế dữ liệu hơn 53.000 người bán hàng online và 14.800 tổ chức bán hàng trên sàn thương mại điện tử để có cơ sở thu thuế.

Ngoài ra, theo Nghị định số 91 của Chính phủ ban hành năm 2022 có hiệu lực từ kỳ cung cấp thông tin của quý 4/2022, thì chủ sàn giao dịch thương mại điện tử phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế định kỳ hằng quý, bằng phương thức điện tử qua cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế, thời hạn chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau.

Bên cạnh đó, hiện nay đã có quy định các ngân hàng thương mại cũng phải cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra, xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế.

Dựa trên sao kê tài khoản ngân hàng, cơ quan thuế còn truy lại và tính tiền chậm nộp với số tiền vài chục, thậm chí vài trăm triệu đồng. Ngoài ra, dù doanh thu online dưới 100 triệu không phải nộp thuế nhưng vẫn phải đi khai báo để mở mã số thuế.

Anh Đào Văn Toàn – chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ chia sẻ, để tăng cường hiệu quả thu thuế trong kinh doanh online, với cá nhân kinh doanh online lâu nay chưa đăng ký và nộp thuế, nên hỗ trợ họ đăng ký và tính doanh thu các năm chưa nộp để tính thuế. Doanh thu phát sinh bao nhiêu thì nộp thuế bấy nhiêu, không nên tính tiền phạt chậm nộp.

Ngoài ra, bên cạnh sự hỗ trợ từ các công ty vận chuyển, giao nhận hàng hóa, Tổng cục Thuế cần xây dựng kho dữ liệu thông tin người nộp thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số từ các nguồn thông tin quản lý thuế, tích hợp với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành chức năng liên quan như: Thông tin và truyền thông, Công thương...

Đồng thời, ngành thuế cần sự phối hợp quản lý thông tin từ ngân hàng thương mại, các tổ chức thanh toán trung gian và các nhà cung cấp mạng, viễn thông... cũng như tích hợp các thông tin từ các sàn giao dịch trực tuyến, các website bán hàng, trang mạng xã hội nhằm đảm bảo đủ thông tin cần thiết phục vụ công tác quản lý thuế.

Để giải quyết bài toán chống thất thu thuế trong thương mại điện tử, trong thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã đưa ra một số giải pháp như phối hợp với Tổng cục thuế chia sẻ cơ sở dữ liệu về thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập, vận hành website/ứng dụng thương mại điện tử. Tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến các văn bản pháp luật về thuế có liên quan đến quản lý thuế trong thương mại điện tử.

Đồng thời, Cục tiếp tục thực hiện công tác quản lý, giám sát, thực thi pháp luật thương mại điện tử, đẩy mạnh công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra. Phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính có phương án, giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu nhằm tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội nói riêng và hoạt động kinh doanh trên không gian mạng nói chung, tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử.

Đặc biệt, kiến nghị Bộ Tài chính có phương án kết nối chia sẻ dữ liệu về người nộp thuế trong thương mại điện tử với Bộ Công Thương theo chỉ đạo của Chính phủ tại Công điện số 889/CĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao công tác hiệu quả quản lý thu thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ.

Nguồn: Báo Công Thương