Bạn đang ở đây

Sản xuất công nghiệp khôi phục ở hầu hết các ngành

07/04/2022 08:34:19

Theo Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp trong quý 1/2022 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước.

Các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, quý I/2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,07%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 5,03%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (quý I/2021 tăng 6,44%), đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực
Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng trưởng dương 1,23% (khai thác than tăng 3,2% và quặng kim loại tăng 5%), làm tăng 0,04 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Với các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất kinh doanh nên sản xuất công nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tính chung quý I/2022, sản xuất công nghiệp tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7% (cùng kỳ tăng 9,45%), ngành sản xuất phân phối điện tăng 7,1%...

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất quý I/2022 một số ngành trọng điểm thuộc các ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ, quặng và hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu thô và khí tự nhiên cùng tăng 47,7%; sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng (trừ máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính) tăng 43,7%; sản xuất máy chuyên dụng khác tăng 28,3%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 23,9%; sản xuất điện dân dụng tăng 27,9%; chế biến và bảo quản rau quả tăng 13,3%; sản xuất trang phục tăng và may trang phục cùng tăng 24,1%...

Bộ Công Thương nhìn nhận, sản xuất công nghiệp được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 tiếp tục tăng đạt 54,3 điểm, số lượng đơn đặt hàng mới tăng và điều kiện kinh doanh ổn định đã góp phần làm tăng sản lượng sản xuất trong nước.

Tuy vậy, Bộ Công Thương cũng cho biết, quá trình phục hồi sản xuất cũng gặp một số trở ngại do nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao kìm hãm sự gia tăng sản lượng sản xuất. Cùng với đó, lao động ở một số ngành chưa hoàn toàn trở lại làm việc đã tác động đến khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp

Về triển vọng hoạt động sản xuất công nghiệp thời gian tới, Bộ Công Thương nhận định sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào một số yếu tố. Trước hết là sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn cùng những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.

Bên cạnh đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp.

Ngoài ra, gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ở những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh…

Để thúc đẩy phát triển công nghiệp trong những tháng tiếp theo, Bộ Công Thương lưu ý cần triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp.

Trên cơ sở đó, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của từng ngành, sản phẩm. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu để hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị sản xuất bám sát diễn biến thị trường, nhu cầu thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước, thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao.

Cụ thể, đối với các doanh nghiệp trong ngành năng lượng phải theo dõi sát nguồn cung - cầu dầu thô, than nhập khẩu; đánh giá để có các phương án vận hành ổn định, hiệu quả, tối ưu công suất nhà máy; đảm bảo nguồn cung nhiên liệu không bị gián đoạn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tích cực phối hợp, chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường, sử dụng tối đa nguồn lực của từng đơn vị dịch vụ; phát huy nội lực, tăng cường và ưu tiên sử dụng các dịch vụ của nhau để thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu dùng nội địa.

Nguồn: Báo Công thương