Bạn đang ở đây

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ: Yếu ở khâu mẫu mã

10/01/2020 08:44:26
san pham thu cong my nghe yeu o khau mau ma
Sản phẩm làng nghề mây, tre đan mang màu sắc truyền thống

Hạn chế về thiết kế mẫu mã khiến sản phẩm TCMN chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước, giảm khả năng cạnh tranh với mặt hàng cùng loại của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ... Các sản phẩm TCMN thiếu tính sáng tạo, chậm đổi mới mẫu mã, chưa xuất phát từ nhu cầu của khách hàng, làm dập khuôn theo các mẫu có sẵn trên thị trường hoặc theo đơn đặt hàng từ phía khách hàng mà ít có sản phẩm của riêng mình. Nhiều nghệ nhân, thợ giỏi có những mẫu thiết kế đẹp nhưng lại thiếu tính thương mại, dẫn đến khó sản xuất hàng loạt, giá thành quá cao so với nhu cầu thị trường… Hơn nữa, TP. Hà Nội có tới gần 200 nghệ nhân, hàng nghìn thợ giỏi, hàng trăm chuyên gia, cùng các sinh viên chuyên ngành đã thiết kế hàng nghìn mẫu mã sản phẩm TCMN, nhưng phần lớn mới chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu, chưa thương mại hóa.

Về hạn chế này, ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - cho biết, yếu về khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm là tình trạng chung của các cơ sở sản xuất hàng TCMN, nhất là cơ sở quy mô nhỏ ở nước ta. Do hạn chế về nguồn lực, các cơ sở này không dám đầu tư đội ngũ thiết kế riêng, thiếu điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu về thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất chưa mạnh dạn bỏ công sức đầu tư thiết kế mẫu bài bản, vì sợ các cơ sở khác làm nhái, do vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chưa được thực hiện nghiêm. Do vậy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề rất cần sự hỗ trợ của các sở, ngành trong việc cải thiện, sáng tạo mẫu mã sản phẩm.

Đơn cử, làng Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có lịch sử hàng trăm năm làm mây, tre đan truyền thống. Mỗi sản phẩm ở Phú Vinh đều mang một màu sắc truyền thống Việt Nam, chứa đựng tâm huyết của các nghệ nhân, thợ giỏi. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận Phú Vinh là làng nghề TCMN, làng nghề này cũng đang thiếu nhà thiết kế mẫu hiện đại, có tầm nhìn về thị hiếu, mẫu mã, hoa văn sản phẩm... Vì vậy, khi bước ra thị trường thế giới, các sản phẩm mây, tre đan của Phú Vinh vẫn yếu thế hơn so với mặt hàng cùng loại của nhiều nước khác.

Để giải "bài toán" này, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn, hỗ trợ nhằm giúp các nghệ nhân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng thiết kế, phát huy ý tưởng sáng tạo để có được những sản phẩm giá trị, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đây là tiền đề để các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển mẫu mã sản phẩm mới phục vụ nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, Sở cũng tổ chức các buổi triển lãm, giới thiệu sản phẩm TCMN đến từ làng nghề nhằm tạo cơ hội để nghệ nhân, doanh nghiệp trao đổi, tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm TCMN, đưa những thiết kế này vào sản xuất thực tế. Đồng thời, hướng đến việc kết nối, tạo thành chuỗi sản xuất có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo ra lượng sản phẩm lớn, đáp ứng được nhu cầu của nhà nhập khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội:
Trong bối cảnh xuất khẩu hàng TCMN còn nhiều dư địa, việc định hướng thiết kế mẫu sản phẩm sẽ là tiền đề hình thành sàn giao dịch thiết kế, sáng tạo mẫu mã, phục vụ phát triển ngành TCMN, góp phần xây dựng thành công Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" trên địa bàn Hà Nội.

Nguồn: báo Công thương