Bạn đang ở đây

Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Kiên Giang: Đa dạng hình thức hỗ trợ

20/11/2019 15:13:44
da dang hinh thuc ho tro
Chính sách hỗ trợ hấp dẫn tạo điều kiện cho cơ sở phát triển sản phẩm

Phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của khuyến công Kiên Giang thời gian qua. Thông qua công tác này, Kiên Giang kỳ vọng phát hiện và tôn vinh các sản phẩm chất lượng tốt, tiềm năng để có kế hoạch hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển CNNT.

Để thực hiện tốt nội dung này, bên cạnh việc ban hành các chính sách liên quan, Sở Công Thương tỉnh chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp sớm tổ chức tập huấn triển khai các văn bản; đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức… Theo đó, từ năm 2011 tới nay, Kiên Giang đã tổ chức 4 lần bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu và đang thực hiện tổ chức bình chọn lần 5. Kết quả, đã có 218 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; 37 sản phẩm cấp khu vực; 10 sản phẩm cấp quốc gia. Theo đánh giá, các sản phẩm tham gia bình chọn ngày càng đa dạng, có chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhiều khách hàng. Số lượng doanh nghiệp cũng như sản phẩm tham gia bình chọn tăng theo từng kỳ tổ chức.

Theo đại diện Sở Công Thương Kiên Giang, một trong những điều tạo nên sức hút của chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu của tỉnh là chính sách hỗ trợ hấp dẫn. Các doanh nghiệp có sản phẩm CNNT tiêu biểu được công nhận sẽ được hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm, kết nối cung - cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; đặc biệt, được hỗ trợ đầu tư, đổi mới thiết bị sản xuất. Từ năm 2017 đến nay, Kiên Giang đã triển khai 24 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ trên 5,6 tỷ đồng. Điển hình như Doanh nghiệp tư nhân Khai thác chế biến hải sản Thanh Quốc đã được hỗ trợ 200 triệu đồng đầu tư ứng dụng dây chuyền chiết, rót, đóng nắp chai tự động trong sản xuất nước mắm; Công ty TNHH một thành viên Hà Thuận được hỗ trợ 200 triệu đồng đầu tư ứng dụng máy chấn và máy cắt thủy lực trong sửa chữa và đóng mới chẹt vận chuyển bằng sắt…

Ghi nhận từ đối tượng thụ hưởng, các đề án đã phát huy tốt hiệu quả, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và lợi nhuận, là mô hình điển hình để giới thiệu và nhân rộng phát triển. Ngoài ra, hoạt động bình chọn, tôn vinh sản phẩm CNNT tiêu biểu còn tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giới thiệu và trao đổi sản phẩm với đối tác tại địa phương trong và ngoài tỉnh, tạo ra mối liên kết thương mại nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Tuy vậy, công tác bình chọn cũng như phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu của Kiên Giang vẫn gặp một số trở ngại. Theo đó, phần lớn các cơ sở CNNT có quy mô nhỏ, chưa mạnh dạn đầu tư áp dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất; chưa sáng tạo mẫu mã, bao bì phù hợp với thị yếu của người tiêu dùng… Cùng đó, một số huyện chưa thật sự quan tâm công tác này, tổ chức tuyên truyền vận động chưa sâu rộng cũng hạn chế số lượng sản phẩm tham gia bình chọn.

Để khắc phục tình trạng, đồng thời tăng sức lan tỏa cho công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, trong thời gian tới, Sở Công Thương Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền công tác bình chọn; tạo điều kiện tốt nhất để các sản phẩm CNNT phát triển. Đại diện Sở Công Thương tỉnh cũng mong muốn cơ sở CNNT chú trọng cải tiến mẫu mã; nâng cao chất lượng sản phẩm; tập trung đầu tư máy móc, trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất... để tạo ra những sản phẩm có giá trị sử dụng cao.

Chính sách hỗ trợ hấp dẫn, sự chủ động tham gia của cơ sở sản xuất giúp công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu Kiên Giang không chỉ đạt hiệu quả tốt mà còn lan tỏa sức hấp dẫn.

Nguồn: báo Công thương