Bạn đang ở đây

Quyết liệt ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hoá

18/07/2019 09:10:20

Gian lận C/O ngày càng phức tạp

Theo đại diện Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), thời gian gần đây, tình trạng hàng hoá gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi nước ngoài hưởng ưu đãi thuế quan hoặc lẩn tránh các biện pháp trừng phạt, lẩn tránh thuế cao ngày càng diễn biến phức tạp. Trong đó, Hoa Kỳ và EU là những thị trường dễ phát sinh các trường hợp gian lận thương mại nhất.

quyet liet ngan chan gian lan xuat xu hang hoa
Ngoài sản phẩm tôn mạ xuất khẩu và thép cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam, nhiều mặt hàng có nguy cơ bị các quốc gia nhập khẩu áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp do nghi ngờ về xuất xứ. Ảnh minh hoạ

Theo đó, các hành vi lẩn tránh rất phổ biến, đa dạng với quy mô khác nhau, từ việc doanh nghiệp chuyển toàn bộ hoặc một phần dây chuyền sản xuất sang Việt Nam hoặc nhập khẩu một phần nguyên liệu sản xuất, linh kiện lắp ráp tại Việt Nam để hoàn thiện sản phẩm, sau đó lấy xuất xứ “Made in Vietnam” để xuất khẩu hàng hoá đi các quốc gia khác.

Ngoài nguyên nhân như đã nói trên, còn có nguyên nhân từ việc nhiều doanh nghiệp đã cố tình cung cấp hồ sơ giả mạo để xin C/O hay làm C/O giả hoặc hoặc thành lập doanh nghiệp để xuất khẩu trong thời gian ngắn rồi giải thể.

Hậu quả của tình trạng này đã khá rõ ràng, đó là các nước nhập khẩu đã và đang siết chặt quản lý hàng hoá xuất xứ Việt Nam, thậm chí “thẳng tay” áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Điển hình nhất là vừa qua, với cáo buộc các sản phẩm tôn mạ xuất khẩu và thép cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan nhằm lẩn tránh thuế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã quyết định áp thuế "kép" chống bán phá giá lẫn chống trợ cấp.

Cụ thể, Hải quan Hoa Kỳ sẽ bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với hai sản phẩm nói trên của Việt Nam, đồng thời áp dụng mức tiền cọc tương đương với mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng với Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Đài Loan - vốn đã bị Mỹ áp thuế từ năm 2016.

Một điều kiện “có vẻ công bằng” là Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho phép các doanh nghiệp Việt Nam không mất tiền đặt cọc nếu chứng minh tôn mạ và thép cán nguội không sử dụng từ thép cán nóng của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Còn trong trường hợp doanh nghiệp Việt Nam không chứng minh được hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ sử dụng nguyên liệu thép cán nóng từ quốc gia nào thì phải chịu mức thuế mà Hoa Kỳ đã áp dụng đối với Trung Quốc nhằm tránh trường hợp trốn thuế.

Tuy nhiên, việc đưa ra điều kiện này càng khẳng định, dù vẫn mở cửa cho hàng hoá từ Việt Nam, song các quốc gia nhập khẩu lớn luôn “nghi ngờ” khả năng giả mạo xuất xứ hàng hoá từ Việt Nam khi xuất khẩu vào quốc gia mình.

Chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ

Trước thực trạng gian lận C/O Việt Nam đang gia tăng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" với mục tiêu lớn là nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các FTA thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các FTA đã ký kết.

Đặc biệt, Đề án còn nhắm đến mục tiêu ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM), trong đó có hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu; bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Giải pháp chủ yếu của Đề án là tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.

Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa trên phạm vi toàn quốc; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một thị trường cụ thể để giảm thiểu tác động tiêu cực của việc bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại...

Ngành hải quan chủ động vào cuộc

Khẳng định không phải đến thời điểm này ngành Hải quan mới có các biện pháp ngăn chặn tình trạng gian lận C/O Việt Nam, ông Nguyễn Phi Hùng - Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) - cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã sớm xây dựng kế hoạch đấu tranh toàn diện, cụ thể để phát hiện, phòng chống, xử lý những hành vi hàng hóa nước ngoài lợi dụng C/O Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho lực lượng hải quan tại các cửa khẩu tổ chức kiểm tra, đối chiếu hồ sơ chặt chẽ để kịp thời phát hiện những lô hàng có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, lãnh đạo Tổng cục Hải quan giao Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan phân tích, đánh giá những mặt hàng có kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng trưởng đột biến trong thời gian qua để có kế hoạch theo dõi chặt chẽ.

Đặc biệt, Cục Kiểm tra sau thông quan được yêu cầu tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp có nguy cơ cao về gian lận C/O, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, có hợp tác với người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực gia công.

Thu thập thông tin tình báo hải quan từ xa, phối hợp với cơ quan Hải quan các nước để xác định những doanh nghiệp, cơ sở từ bên ngoài có móc nối với doanh nghiệp trong nước thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh để lợi dụng C/O của Việt Nam xuất khẩu hàng hóa đi các nước cũng là biện pháp đang được ngành Hải quan tích cực triển khai bên cạnh việc tập trung điều tra, phát hiện “doanh nghiệp ma”, doanh nghiệp bình phong của các đối tượng nước ngoài để thực hiện hành vi đưa hàng thành phẩm từ nước ngoài về Việt Nam sau đó cắt nhãn mác nước ngoài để gắn nhãn mác, C/O Việt Nam, hoặc đặt hàng thành phẩm ở nước ngoài đưa về nước ta để tiếp tục xuất đi nước thứ ba để xử lý, kể cả xử lý hình sự.

Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Hải quan, để ngăn chặn, xử lý hiệu quả vấn đề gian lận C/O, ngoài nỗ lực của cơ quan Hải quan cần sự vào cuộc đồng bộ từ cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý có liên quan. Trong đó, các Bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam... cần sớm hoàn thiện các quy định và quy trình cấp C/O đối với hàng hoá xuất xứ Việt Nam.

Nguồn: Báo Công thương