Bạn đang ở đây

Quản lý thị trường Hòa Bình: Nhận diện nhiều vấn đề nổi cộm trong chống buôn lậu, hàng giả

06/10/2020 08:01:49

Hòa chung trong không khí cả nước thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng.

Nỗ lực đấu tranh bảo vệ người tiêu dùng

Là tỉnh miền núi, cửa ngõ phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội, những năm qua, lực lượng QLTT ở Hòa Bình đã chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống hành vi đầu cơ, găm hàng, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong quá trình đó, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Công Thương, của Thường trực tỉnh ủy và lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình; Tổng Cục QLTT, ông Nguyễn Bá Thức – Cục trưởng Cục QLTT Hòa Bình, sự đoàn kết, thống nhất của tập thể cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị cùng với sự không ngừng tự rèn luyện, đổi mới phương pháp làm việc, đã giúp đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ được giao phó góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của ngành Công Thương tỉnh Hòa Bình.

Lực lượng QLTT tỉnh kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ

Điều đó thấy rõ từ kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT tỉnh Hòa Bình qua các năm. Cụ thể, năm 2018, Cục QLTT tỉnh Hoà Bình đã kiểm tra 3.593 vụ tăng 23,9% so với kế hoạch năm. Trong đó số vụ vi phạm hành chính 1.325 vụ (gồm 1.411 hành vi), phạt vi phạm hành chính và hàng hóa tịch thu hơn 2,5 tỷ đồng. Năm 2019, Cục đã kiểm tra 2.621 vụ tăng 13,96% so với kế hoạch năm, trong đó số vụ vi phạm hành chính 931 vụ (gồm 963 hành vi), phạt vi phạm hành chính gần 2 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã tổ chức kiểm tra 1.703 vụ (bằng 89,35% so với cùng kỳ, bằng 85,15% so với kế hoạch). Số vụ vi phạm 509 vụ, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 1.281.113.000 đồng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2020, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hòa Bình) đã phát hiện cửa hàng xăng dầu Hoàng Sơn (thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Phúc Chấn, địa chỉ tại thôn 7, xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) đã có hành vi vi phạm kinh doanh xăng dầu không có giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu. Trong đợt dịch Covid-19, Đội Đội QLTT số 6 đã xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở tại phường Hữu Nghị, TP. Hòa Bình về việc kinh doanh online nước rửa tay sát khuẩn đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo thu hồi do vi phạm quy định của pháp luật…

Theo Cục trưởng Cục QLTT Hòa Bình, hiện, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hàng hóa chủ yếu bị chia nhỏ, xé lẻ, vận chuyển vào thời gian cao điểm hoặc là đêm khuya, sáng sớm để trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Không chỉ ở kênh bán hàng trực tiếp mà các mặt hàng giả, hàng nhái còn diễn ra các kênh bán hàng trực tuyến, mạng xã hội facebook, zalo. Thậm chí, còn sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh, chia nhỏ, vận chuyển hàng hóa cùng nhiều mặt hàng khác, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong hoạt động kiểm tra, bắt giữ và xử lý.

Ngoài ra, tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng báo dân tộc thiểu số, lợi dụng sự nhận thức hiểu biết về hàng hóa của người dân còn hạn chế, tâm lý ưa hàng giá rẻ, nên các đối tượng tìm cách đưa hàng hết hạn sử dụng, hàng giả, hàng kém chất lượng, thiếu trọng lượng… vào tiêu thụ trên địa bàn. Nhận thức tình hình đó, Cục QLTT Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc làm tốt công tác quản lý địa bàn, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, nhằm phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm mang tính chất điển hình, góp phần thực hiện có hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ổn định thị trường và bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại bước đầu có những kết quả tích cực, người dân đã quan tâm, tìm hiểu về cách nhận biết và cảnh giác đối với các loại hàng giả, hàng kém chất lượng và hành vi gian lận thương mại.

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Để thị trường phát triển lành mạnh, ngoài sự quản lý của các ngành, các cấp, đòi hỏi các thành phần kinh tế tham gia trên thị trường phải hiểu và có ý thức chấp hành pháp luật. Từ nhận thức trên, Cục QLTT Hòa Bình đã thực hiện nhiệm vụ kiểm tra phải kết hợp tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động của tổ chức, cá nhân; vận động các tổ chức cá nhân ký cam kết chấp hành đúng quy định của pháp luật, kết quả đã vận động được gần 2000 lượt ký cam kết. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông thường xuyên đưa tin tuyên truyền, phổ biến tới các thành phần kinh tế cũng như khuyến cáo người tiêu dùng khi mua hàng hóa; phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tuyên truyền phổ biến tới người tiêu dùng tại các phiên chợ vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Lực lượng QLTT Hòa Bình phối hợp với tuyên truyền về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nổi bật trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, căn cứ các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hòa Bình và Tổng cục QLTT, Cục đã xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, kế hoạch kiểm tra chuyên đề đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, trong đó chú trọng kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; chú trọng kiểm tra tại các đầu mối giao thông, các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa... Các kế hoạch kiểm tra được chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, do đó trên thị trường tỉnh Hòa Bình trong những năm qua không có cơ sở nào sản xuất hàng giả, hàng nhái; không có hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt gây rối loạn thị trường; quyền lợi chính đáng của các nhà sản xuất kinh doanh chân chính và người tiêu dùng được đảm bảo, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các thành phần kinh tế phát triển.

Nhận thức được vai trò, nhiệm vụ của lực lượng QLTT trong thời kỳ mới, đồng thời, xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, ông Nguyễn Bá Thức cho biết, để phát huy tốt vai trò chủ công trong công tác này, đơn vị sẽ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, từng bước đổi mới trang thiết bị, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác chuyên môn. Tập huấn các kỹ năng nhận diện hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… Đồng thời, đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng như công an, thuế, hải quan, thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng kém chất lượng; thường xuyên trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả.

Cục QLTT Hòa Bình đã nhận nhiều Bằng khen, Kỷ niệm chương, giấy khen đối với cá nhân, tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, như Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2009 – 2019; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể đã hoàn thành xuất sắc trong công tác từ năm 2018 – 2019…

Nguồn: Báo Công thương