Bạn đang ở đây

Phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề: Vẫn cần lực đẩy

27/12/2018 09:40:02

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Phát triển ngành nghề nông thôn các tỉnh khu vực phía Bắc do Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức sáng ngày 30/11, tại Hà Nội.

phat trien nganh nghe nong thon lang nghe van can luc day

Hiệu quả kinh tế cao từ khu vực làng nghề

Thừa Thiên Huế là địa phương có 94 làng nghề thì có tới 84 làng nghề truyền thống. Có bề dày lịch sử lâu đời, với lớp nghệ nhân có tay nghề điêu luyện, nhiều làng nghề truyền thống ở dây đã phát triển mạnh, vừa cung cấp sản phẩm cho đời sống xã hội, vừa thu hút các tour du lịch. Đại diện Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, thu nhập bình quân của người lao động tại các làng nghề được cải thiện rõ rệt. Điển hình như làng nghề mây tre đan Ban La, thu nhập bình quân theo ngày năm 2018 là từ 50.000-110.000 đồng/ngày/người. Thu nhập bình quân thợ lành nghề của các cơ sở thuộc làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên lên đến 9 triệu đồng/tháng.

Các làng nghề tại Hòa Bình trong thời gian gần đây đã và đang dần khôi phục, phát triển như nghề nuôi ong, dệt thổ cẩm, mây tre đan, chế biến các món ăn dân tộc. Ông Triệu Văn Đan - Phó Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hòa Bình) - cho hay: Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 20 cơ sở làng nghề. Với lợi thế một số điểm du lịch thu hút khách tham quan trong và ngoài nước như Bản Lác (Mai Châu), Động Tiên (Lạc Thủy), thủy điện Hòa Bình… du lịch đã tạo điều kiện rất thuận lợi để sản phẩm làng nghề phát triển.

Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam – cho hay: Sức sống của làng nghề truyền thống đang trỗi dậy. Nhất là tại Hà Nội, với nhiều làng nghề truyền thống như làng nghề mây, tre, đan Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội), lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng nghề gốm Bát Tràng. Việc hiện đại hóa công nghệ truyền thống, nắm bắt nhu cầu của thị trường giúp sản phẩm làng nghề tìm được đầu ra. Đời sống của người lao động tại các làng nghề này ổn định, thu nhập cao hơn từ 3-5 lần so với làm nông nghiệp.

Không chỉ giải quyết vấn đề lao động tại địa phương. Các làng nghề còn đem lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước thông qua việc xuất khẩu. Theo con số không chính thức thì năm 2017 Việt Nam xuất khẩu đạt khoảng gần 2 tỷ USD mặt hàng thủ công mỹ nghệ, cao hơn rất nhiều so với con số 274 triệu USD năm 2000.

Tháo gỡ khó khăn

Bên cạnh những mặt tích cực, theo ông Dần, khả năng tiếp thị và nắm bắt thị trường của các làng nghề chưa tốt. Bên cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ và cải tiến mẫu mã còn chậm. Sản phẩm của làng nghề truyền thống có giá thành cao, mẫu mã chưa đa dạng, chưa theo kịp thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đây là một thực tế khiến cho sản phẩm truyền thống chưa thể đến với nhiều thị trường khó tính và đầy tiềm năng như: Anh, Pháp, Mỹ… Không chỉ khó vươn xa ra thị trường quốc tế, ngay tại thị trường trong nước, sản phẩm làng nghề đang chịu sự cạnh tranh trực tiếp với hàng Trung Quốc ngay tại chính làng nghề.

Để phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 thay thế Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006. Trong đó quy định Bộ NN&PTNT là cơ quan quản lý nhà nước về làng nghề, ngành nghề nông thôn. Theo ông Dần, trước đây, Bộ Công Thương nắm một số mặt hàng, ví dụ như thủ công mỹ nghệ, nhưng nay chuyển sang Bộ NN&PTNT quản lý. Nhưng vấn đề xuất khẩu nên để ở Bộ mà có trách nhiệm về xuất khẩu phụ trách, tìm hướng đi cho các làng nghề cụ thể.

Để Nghị định 52 thực thi hiệu quả, ông Lưu Duy Dần cho rằng, Nhà nước cần thống nhất quan điểm trong việc coi làng nghề như một cơ sở văn hóa - kinh tế; xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm quy hoạch, phân loại làng nghề ở các mức độ, cấp độ khác nhau, theo những tiêu chí khác nhau để có được chính sách đầu tư và tác động phù hợp, từng bước giúp làng nghề thoát khỏi phát triển tự phát như hiện nay. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cũng cần phải liên kết lại. Cụ thể, vấn đề xuất khẩu thì Công Thương đứng ở vai rất rõ, vấn đề du lịch Bộ Văn hóa không thể đứng ngoài cuộc. Hay là Bộ NN&PTNT sẽ phải làm gì?

Ông Dương Văn Tuyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Thái Nguyên - kiến nghị: Để ngành nghề nông thôn và làng nghề phát triển cần triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách hiện hành liên quan đến khuyến khích, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế tham gia đầu tư và phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, cần xem xét hỗ trợ kinh phí hoạt động xúc tiến thương mại, đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho lao động làng nghề.

Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam:

Kết nối cộng đồng làng nghề, bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch và hội nhập quốc tế sẽ là những yếu tố quan trọng để bước vào thực thi Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 thay thế Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 7/7/2006 về phát triển ngành nghề nông thôn.