Bạn đang ở đây

Phát triển cụm công nghiệp tại Bắc Giang: Bất cập từ khâu quản lý

27/05/2020 10:45:03

Những bất cập trong quản lý khiến Bắc Giang gặp không ít trở ngại khi thu hút đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và phát triển cụm công nghiệp (CCN).    

Thu hút nhà đầu tư

Sau khi Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu phía Nam CCN Đại Lâm từ UBND huyện Lạng Giang sang liên danh Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu, sản xuất thương mại Mặt Trời và Công ty Cổ phần TNG Phú Thái, với tổng vốn đầu tư khoảng 202 tỷ đồng, CCN Đại Lâm nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, trở thành trọng điểm về phát triển công nghiệp ở khu vực này.

phat trien cum cong nghiep tai bac giang bat cap tu khau quan ly

Nhu cầu mở rộng sản xuất tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang gia tăng

Tương tự, UBND huyện Việt Yên giao Công ty TNHH Minh Hoàng Long xây dựng hạ tầng CCN Việt Tiến với diện tích 21,5 ha. Doanh nghiệp (DN) đã chi khoảng 50 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và 15 tỷ đồng xây dựng hệ thống giao thông, điện, nước sạch. Dự kiến sau khi hoàn thiện, CCN có tổng vốn đầu tư hơn 130 tỷ đồng, bảo đảm đủ điều kiện cho DN sản xuất, kinh doanh thuận lợi nhất. Hiện đã có 5 DN thuê lại mặt bằng, bước đầu đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, bắt tay vào sản xuất đúng theo cam kết.

CCN Đại Lâm và Việt Tiến là điển hình cho sự phát triển của các CCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay. Theo quy hoạch đến năm 2020, Bắc Giang có 40 CCN. Hiện 27 cụm đã có nhà đầu tư thứ cấp, 13 cụm đang đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhưng đã có DN đăng ký đầu tư thứ cấp. Theo đánh giá từ Sở Công Thương, các CCN của tỉnh đều được quy hoạch và triển khai xung quanh các trục, tuyến giao thông thuận lợi. Do vậy, công tác thu hút đầu tư DN thứ cấp khá thuận lợi. Các CCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút 227 dự án đang triển khai và đi vào hoạt động, vốn đầu tư thực hiện ước đạt 10.237 tỷ đồng. Việc sử dụng đất tại các CCN mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, năm 2019 đạt 15,39 tỷ đồng/ha.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Theo ông Nguyễn Văn Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, CCN đóng vai trò trong phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh. Nhu cầu mở rộng sản xuất của DN tăng nhanh là tín hiệu tốt nhưng cũng kéo theo nhiều vấn đề trong phát triển CCN của tỉnh, nhất là cung cấp điện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong cụm.

Cùng đó, quy định quy hoạch CCN phải tích hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung cũng gây khó cho tỉnh. Do vướng quy hoạch sử dụng đất, để thành lập 40 CCN theo quy hoạch đã duyệt, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh tạm thời vay quỹ đất của các CCN chưa giải phóng mặt bằng hết để thành lập CCN mới, thu hút nhà đầu tư. Bắc Giang đã có 5 nhà đầu tư đăng ký thành lập CCN để đầu tư hạ tầng, kéo theo đó là nhà đầu tư thứ cấp, nhưng do quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung chưa hoàn thành nên chưa thực hiện được.

Nghị định 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN quy định tỷ lệ lấp đầy để được bổ sung thành lập CCN cũng rất khó thực hiện. Bắc Giang đang lúng túng không biết tính tỷ lệ này như thế nào. DN đã hoàn thành đầy đủ các thủ tục, kể cả quy hoạch chi tiết CCN tỷ lệ 1/500 nhưng do không giải phóng được mặt bằng nên không thể triển khai xây dựng hạ tầng cụm. "Về lâu dài cần có quỹ để giải phóng mặt bằng. Nhà nước bỏ ngân sách giải phóng mặt bằng sau đó đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng thì sẽ đẩy nhanh đáng kể tốc độ hoàn thành hạ tầng CCN" - ông Phương đề xuất.

Ngoài ra, công tác quản lý CCN rất chồng chéo và có sự tham gia của nhiều bộ, ngành: Sở kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận cho nhà đầu tư thứ cấp, Sở Công Thương quản lý chung; cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư vào CCN kém hấp dẫn hơn so với đầu tư vào khu công nghiệp… cũng đang gây vướng mắc cho Bắc Giang phát triển CCN.

Vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, quản lý CCN khiến Bắc Giang gặp nhiều khó khăn khi đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hạ tầng CCN, thu hút đầu tư thứ cấp.

Nguồn: Báo Công thương