Bạn đang ở đây

Phát triển Công nghiệp hỗ trợ: Đề xuất chính sách ràng buộc và khuyến khích

27/04/2020 08:21:25

Bên cạnh những tác động tiêu cực, đại dịch Covid-19 cũng tạo thời cơ để các doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.  

de xuat chinh sach rang buoc va khuyen khich

Cơ hội rộng mở

Thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 1.800 DN CNHT, trong đó, 300 DN tham gia chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia. DN CNHT đang chiếm khoảng 4,5% tổng số DN của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Đánh giá về ngành CNHT, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sau nhiều năm nỗ lực phát triển, đến nay, năng lực của ngành CNHT vẫn hạn chế, chưa như kỳ vọng. Quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của DN Việt cũng chậm, kém hiệu quả. Điều đó thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết, khi rất nhiều DN rơi vào tình cảnh khốn đốn, khó khăn vì thiếu nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất vì đại dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng khiến việc kết nối với các thị trường cung cấp nguyên phụ liệu bị gián đoạn.

Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp - đánh giá, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh và năng lực của DN CNHT trong nước còn thấp; đổi mới trang bị, công nghệ chậm, thiếu sự hợp tác liên kết và cung ứng cho DN FDI còn rất hạn chế, phần lớn chỉ sản xuất theo các hợp đồng nhỏ lẻ. Thực tế đó cũng chính là lý do trong nhiều năm qua, DN FDI thường tìm đến hợp tác nhập khẩu nguyên phụ liệu, thiết bị từ đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, DN CNHT đang đứng trước thời cơ thuận lợi để phát triển bứt phá. Bên cạnh những tác động tiêu cực, đại dịch Covid-19 cũng tạo ra “con đường mới” cho các DN CNHT trong nước. “Sau khi các thị trường cung cấp nguyên phụ liệu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản bị tạm dừng sản xuất vì dịch bệnh thì đến nay, DN FDI đang tính đến phương án tìm đối tác trong nước. DN trong nước cần tận dụng để bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khẳng định chỗ đứng trong chuỗi cung ứng này” - ông Trương Thanh Hoài nhận định.

Chủ động nắm bắt thời cơ

Để phát triển, tham gia được vào chuỗi cung ứng của công ty đa quốc gia, DN Việt cần chủ động khắc phục những hạn chế cố hữu. Ông Phạm Mạnh Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn giải pháp quản lý năng suất, chất lượng - cho rằng, DN CNHT nhỏ và vừa Việt Nam còn nhiều điểm yếu, đó là: Thiếu chiến lược; thực hành sản xuất kém; công nghệ, kế hoạch, quản lý sản xuất và thiết bị, cách tác nghiệp hạn chế; nhân sự, cán bộ quản lý chưa có năng lực cần thiết để hỗ trợ sản xuất thực sự.

Để khắc phục điểm yếu, nhà nước cần đảm bảo chính sách minh bạch, đơn giản, dễ áp dụng cho DN. Đồng thời, các quy định đưa ra phải đảm bảo tính đồng bộ, có khung giám sát để đánh giá hiệu quả; nhanh chóng có những giải pháp kết nối hiệu quả cho DN CNHT trong nước với các doanh nghiệp FDI. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện chính sách, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí gia nhập thị trường thấp, dễ dàng tiếp cận với thị trường nhằm hỗ trợ tối đa cho DN CNHT phát triển, nhất là DN nhỏ và vừa.

Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ đề xuất chính sách ràng buộc và khuyến khích các địa phương trong bố trí ngân sách phát triển CNHT; thúc đẩy phát triển thị trường cho các ngành hạ nguồn, chú trọng ngành ôtô, điện tử, dệt may, da giày, công nghiệp vật liệu, thu hút đầu tư. Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, bản thân DN cần chủ động nắm bắt và tận dụng tốt các cơ hội mới để phát triển. Mục tiêu chung Bộ Công Thương đặt ra trong Chiến lược phát triển CNHT là đến năm 2020, sản phẩm CNHT của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đáp ứng 25% giá trị sản xuất công nghiệp.

Từ đầu tháng 3/2020 đến nay, một số DN FDI đa quốc gia đã phối hợp với Cục Công nghiệp tìm kiếm DN sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện đủ khả năng thay thế nguồn nhập khẩu. Bộ Công Thương đã hoàn tất việc xây dựng các chương trình hợp tác với DN FDI, đặc biệt là DN đầu đàn có những dự án quy mô lớn.

Nguồn: Báo Công thương